Tây Ninh là tỉnh nằm trong khu vực Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có đường biên giới dài khoảng 240km, tiếp giáp với nước bạn Campuchia.
Tỉnh có 21 dân tộc thiểu số với trên 20.410 người sinh sống cùng đồng bào Kinh trên địa bàn.
Thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, có những định hướng cho giai đoạn mới, Tây Ninh đã và đang tạo sự phát triển toàn diện ở các địa phương trong vùng, góp phần củng cố khối đại đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp thực hiện mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030.
[Tây Ninh: Đồng bào dân tộc chung tay xây khối đại đoàn kết dân tộc]
Thực hiện công tác dân tộc với sự triển khai đồng bộ, bài bản, tỉnh Tây Ninh luôn chăm lo, quan tâm phát triển mọi mặt đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, ổn định xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng, đặc biệt là ổn định an ninh trật tự trên tuyến biên giới.
Nâng cao đời sống
Từ đặc thù địa bàn có 21 dân tộc thiểu số (như: Khmer, Chăm, Hoa, Tà Mun...), đối với công tác dân tộc, các cấp ủy Đảng tỉnh Tây Ninh đã có sự chỉ đạo sát sao.
Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh, thời gian qua, tỉnh tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng và triển khai kế hoạch, chỉ đạo điều hành, thực hiện nhiều chương trình, dự án, đảm bảo an sinh-xã hội, quốc phòng-an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Đồng thời, tỉnh giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, nêu cao và khơi dậy tinh thần đại đoàn kết trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.
Các chương trình, chính sách dân tộc đều được tỉnh triển khai thực hiện công khai, minh bạch, đúng mục tiêu, địa bàn, đối tượng, phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế, ổn định xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Các chương trình, đề án, dự án, chính sách trên các lĩnh vực như giáo dục và đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe, văn hóa, thể thao, du lịch, nông nghiệp, lao động việc làm, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới... đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ trên địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần làm nên những kết quả chung của toàn tỉnh.
Năm 2010 (thời điểm bắt đầu xây dựng nông thôn mới), Tây Ninh mới chỉ có 1 xã đạt 7 tiêu chí và 69 xã đạt dưới 5 tiêu chí chuẩn nông thôn mới.
Hiện nay, tỉnh đã có trên 60 xã đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, trong đó nhiều xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, là xã vùng biên của tỉnh.
Cơ sở hạ tầng vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số được nâng cấp với 100% trục đường liên xã nhựa hóa, bêtông hóa, hoàn thành chương trình kiên cố hóa trường học. 100% trẻ em người dân tộc thiểu số trong độ tuổi được đến trường; tất cả hộ dân đều có điện, nước sạch sinh hoạt; 100% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia…
Nâng cao hiệu quả thực hiện công tác dân tộc trong giai đoạn mới, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành Đề án đào tạo nghề nhằm hỗ trợ nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu đào tạo nghề cho trên 1.900 người dân tộc thiểu số, góp phần giải quyết việc làm, ổn định sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Cùng với đó, tỉnh đang triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; trong đó giai đoạn 2022-2025 là 26,352 tỷ đồng.
Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương triển khai thực hiện hiệu quả, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn vốn của chương trình, đầu tư đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm và lồng ghép các chương trình dự án khác, đảm bảo đạt hiệu quả, tránh lãng phí.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Tây Ninh Trần Minh Nay thông tin đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, trong giai đoạn 2022-2025, Tây Ninh tập trung triển khai hiệu quả 7 dự án thành phần.
Cụ thể là: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc; Phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện chương trình.
Già làng Sóc Kha ở sóc Thiết, ấp Hòa Đông A, xã Hòa Hiệp (huyện Tân Biên), chia sẻ là xã vùng biên, nhiều năm trước, đời sống của người dân Hòa Hiệp, trong đó có đồng bào Khmer rất khó khăn. 100% số hộ Khmer lúc đó thuộc diện hộ nghèo. Giờ đây, cuộc sống của đồng bào đã được cải thiện nhiều.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, được hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật, nhiều hộ đã có mức sống khá từ phát triển chăn nuôi gia cầm, gia súc, trồng lúa, cao su.
Đồng bào Khmer cũng như người dân trong xã rất phấn khởi bởi đường giao thông thuận lợi giúp bà con vận chuyển nông sản, đi lại dễ dàng; các cháu nhỏ được đến trường.
Bảo tồn bản sắc văn hóa
Tạo sự phát triển bền vững, toàn diện đối với công tác dân tộc cùng với quan tâm, chăm lo nâng cao đời sống vật chất cho người dân, tỉnh Tây Ninh còn chú trọng gìn giữ, bảo tồn những nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc, góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Tây Ninh Trần Minh Nay cho biết: Các di tích lịch sử văn hóa, công trình kiến trúc nổi bật của đồng bào các dân tộc thiểu số luôn được trân trọng, gìn giữ.
Nghệ thuật múa trống Chhay-dăm của đồng bào Khmer Tây Ninh đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Di tích chùa Khe Dol ở xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh được công nhận Di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh.
Các cấp, ngành, đoàn thể ở Tây Ninh luôn quan tâm, tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc thiểu số sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng. 12 nhà văn hóa dân tộc của đồng bào các dân tộc Khmer, Tà Mun, Chăm trên địa bàn luôn duy trì hoạt động.
Đây không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng mà còn đóng vai trò quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Ninh.
Địa phương cũng thực hiện hai cuộc điều tra xã hội học và hai phim tư liệu về đời sống văn hóa dân tộc Khmer và đời sống văn hóa dân tộc Chăm trên địa bàn, qua đó tìm hiểu một cách bài bản, đánh giá thực trạng và đề xuất nhiều giải pháp bảo tồn, phát triển, trong đó có bảo tồn và phát huy giá trị của các loại hình lễ hội truyền thống đặc sắc trên địa bàn.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hòa Hiệp (huyện Tân Biên) Phùng Thị Mai Huyền cho biết địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào dân tộc Khmer đến chùa sinh hoạt tín ngưỡng, gìn giữ những nét văn hóa đặc sắc.
Tại xã có đội múa cổ truyền Chhay-dăm (hay còn gọi là múa Sa dăm) do các thành viên Chi đoàn Thanh niên dân tộc trong xã đảm nhận.
Đảng ủy, chính quyền địa phương luôn động viên, hỗ trợ kinh phí để đội luyện tập, biểu diễn, góp phần gìn giữ và lan tỏa nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc./.