Tờ Bloomberg mới đây đăng bài phân tích về chính sách kinh tế của Tổng thống D.Trump của ông Michael Strain, Giám đốc chương trình nghiên cứu chính sách kinh tế thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI).
Nội dung bài viết như sau:
Tổng thống Trump ngày 10/9 tuyên bố rằng ông có “cây đũa thần” để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt mức hơn 4% trong năm nay - con số vừa đạt được trong quý 2/2018. Đây là một trong những tuyên bố đầy màu sắc của ông Trump khi đề cập về tình hình kinh tế Mỹ, song đó lại là sự cường điệu.
Các tranh luận công khai thường quên rằng nền kinh tế Mỹ được định hình bởi những yếu tố có tính toàn toàn cầu như hòa bình và bất ổn giữa các quốc gia, sự phát triển của công nghệ, nhập cư, thương mại quốc tế, đồng thời chịu tác động từ những quyết định của hàng triệu nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Nền kinh tế Mỹ hiện nay tương tự như tình hình kinh tế vào cuối giai đoạn Chính quyền Barack Obama. Ví dụ, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,9% nhưng trong suốt nhiệm kỳ đầu của Obama, tỷ lệ này luôn duy trì ở mức 3,3%. Con số về tăng trưởng GDP được đưa ra gần đây nhất của kinh tế Mỹ là 4,2%. Đây là tốc độ tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng trưởng GDP trong suốt 4 quý dưới thời Obama cũng đạt trên mức 4%.
Trong 19 tháng ông Trump nắm quyền, kinh tế Mỹ tạo ra trung bình 189.000 việc làm/tháng. Trong 19 tháng dưới thời ông Obama, kinh tế Mỹ tạo ra 208.000 việc làm/tháng - về cơ bản là không có sự khác biệt rõ ràng.
Tuy nhiên, có một sự khác biệt rõ ràng đó là tâm trạng của giới doanh nghiệp Mỹ. Sự lạc quan tràn ngập trong giới doanh nghiệp nhỏ khi ông Trump thắng cử và hiện ở mức cao nhất trong gần nửa thế kỷ qua. Đó là lý do để kết luận rằng tâm trạng lạc quan đang tiếp thêm động lực cho hoạt động thuê nhân công và mở rộng đầu tư của giới doanh nghiệp Mỹ.
Tổng thống Trump cũng tuyên bố một số thành tựu khác về sức khỏe của nền kinh tế thông qua tăng chi tiêu công và ban hành luật cải cách thuế. Cả hai vấn đề này được sử dụng như là biện pháp kích thích tài chính trong ngắn hạn, làm tăng quy mô của nền kinh tế.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) dự báo tăng chi tiêu công sẽ thúc đẩy mở rộng quy mô của nền kinh tế thêm 0,3% trong năm 2018 và thêm 0,6% trong năm 2019. Mặc dù, biện pháp này có một số rủi ro nhưng nó sẽ tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Trong khi đó, luật cải cách thuế mới được ban hành có tác động lớn hơn so với biện pháp kích thích tài chính. Thông qua làm tăng tỷ lệ lợi nhuận sau thuế, Chính quyền Trump đã đúng khi tính toán rằng đạo luật này sẽ làm tăng đầu tư tại Mỹ, xuất phát từ hai nhân tố: các doanh nghiệp đang hoạt động trên lãnh thổ Mỹ sẽ mở rộng đầu tư nhiều hơn và các doanh nghiệp đang hoạt động ở nước ngoài cũng muốn tăng cường đầu tư tại Mỹ hơn là ở hải ngoại. Tuy vậy, chúng ta vẫn cần chờ đợi xem tăng tỷ lệ đầu tư tại Mỹ có thể làm tăng sản lượng và tăng lương cho người lao động hay không.
Các tranh luận công khai thời gian qua cũng có những sự nhầm lẫn. Những người ủng hộ luật thuế mới của Mỹ đã sai khi cho rằng các động thái như việc công ty trả thêm lợi tức như là dấu hiệu cho thấy đạo luật này đang phát huy tác dụng.
Những người phản đối chỉ ra rằng việc các công ty mua lại cổ phiếu của chính họ và không có động lực cho việc tăng lương cho người lao động là những dấu hiệu cho thấy các chủ doanh nghiệp không muốn chia sẻ lợi nhuận có được do luật thuế mới với người lao động. Thậm chí, có ý kiến chỉ trích các chủ doanh nghiệp cố tình không cải thiện các tiêu chuẩn lao động trong bối cảnh hoạt động đầu tư ngày càng thu nhiều lợi nhuận hơn.
Không bao giờ xảy ra tình trạng rằng việc cắt giảm thuế sẽ tạo ra một nguồn tiền mới và nó sẽ được chia sẻ với người lao động. Thay vì điều đó, lý thuyết là việc khuyến khích tăng cường đầu tư sẽ làm gia tăng các hoạt động đầu tư trên thực tế, từ đó làm tăng sản lượng, tăng giá trị của công ty và điều này dẫn đến việc tăng lương cho người lao động.
[Giai đoạn khốc liệt mới trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc]
Trên thực tế, hoạt động đầu tư được đẩy mạnh dưới thời ông Trump, mặc dù, một phần nguyên nhân xuất phát từ sự tự tin hơn của giới doanh nghiệp và sự kỳ vọng về việc cắt giảm các quy định kiểm soát từ chính quyền cũ. Tuy nhiên, xu hướng mở rộng đầu tư đã xuất hiện từ thời ông Obama và nó chịu tác động bởi sự tăng trưởng tổng thể của nền kinh tế Mỹ thời kỳ đó.
Thời gian kể từ khi ban hành luật cải cách thuế đến nay cũng đủ để tạo động lực cho thúc đẩy hoạt động đầu tư tại Mỹ. Tuy nhiên, còn quá sớm để kỳ vọng hiệu quả thực sự của việc khuyến khích đầu tư có thể tạo ra những thay đổi có ý nghĩa trong những quyết định của giới doanh nghiệp Mỹ. Và cũng còn quá sớm để thấy những tác động của vấn đề này đối với nền kinh tế Mỹ. Những gì chúng ta đang thấy chỉ là sự tiếp diễn của xu hướng đã tồn tại trong thời gian dài của nền kinh tế Mỹ, mặc dù Tổng thống Trump xứng đáng với những thành tựu kinh tế đạt được trong thời gian ông nắm quyền vừa qua. Tuy vậy, những tác động có ý nghĩa nhất từ luật thuế mới vẫn chưa được thể hiện.
Về những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế xuất phát từ các chính sách của Trump, hầu hết trong số chúng đều nằm ở tương lai. Bằng việc tìm cách gia tăng nguồn vốn từ luật thuế mới, tăng chi tiêu đi kèm với tăng nợ, ông Trump cũng đang hủy bỏ nhiều lợi ích từ mục tiêu khuyến khích mở rộng đầu tư. Tăng nợ có thể làm giảm đầu tư, giảm năng suất, giảm lương và giảm thu nhập. Việc ông Trump từ chối kiểm soát nợ công một cách bền vững, thay vào đó cắt giảm các khoản chi cho các chương trình hỗ trợ tầng lớp trung lưu là sự chối bỏ vấn đề này một cách vô trách nhiệm.
Chúng ta vẫn không biết Trump muốn thúc đẩy cuộc chiến tranh thương mại đi xa đến đâu, nhưng tác động tiêu cực của nó đã rõ ràng. Sự hài lòng của Trump đối với việc làm giới giàu có nhiều tiền hơn và việc ban hành các chính sách công nghiệp sẽ có tác động tổn hại tới khả năng của nền kinh tế Mỹ.
Sự tấn công của ông Trump đối với các cơ chế quốc tế và người nhập cư có thể làm suy yếu năng lực của nền kinh tế Mỹ trong giai đoạn dài./.