Chính sách của ông Biden có quá tham vọng?

Trong 3 năm qua, nhiều nhà khoa học Mỹ gốc Hoa đã lựa chọn quay trở về Trung Quốc bởi vì FBI bí mật điều tra các tinh hoa công nghệ gốc Hoa, hoài nghi mức độ trung thành chính trị của họ.
Chính sách của ông Biden có quá tham vọng? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Bloomberg)

Bài viết đăng trên báo The Straits Times cho rằng bất chấp những gì mà Nhà Trắng đã công bố, rất khó để giải quyết được những căng thẳng giữa các mục tiêu chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ. Nội dung phân tích như sau:

Ông Joe Biden đã có chút ngạc nhiên kể từ khi ông bước vào Nhà Trắng. Chiến dịch tranh cử “không tiêu hao nhiều năng lượng” của ông hồi năm ngoái – và thực tế ông 78 tuổi, người cao tuổi nhất từng trở thành tổng thống – đã cho thấy rằng ông có thể sẽ làm mọi việc một cách dễ dàng trong căn Phòng Bầu dục. Tuy nhiên, mọi việc diễn ra lại không phải như vậy.

Trong sáu tháng đầu tiên của mình, ông Biden đã đề ra một chương trình nghị sự đầy tham vọng và đòi hỏi khắt khe hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào của ông trong nhiều thập kỷ. Ở trong nước, ông muốn “làm lại” một cách căn bản nước Mỹ, phục hồi từ những tổn thương trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump và đại dịch COVID-19 để giải quyết một số vấn đề quan trọng nhất đã làm suy yếu nước này trong nhiều thập kỷ.

[Cạnh tranh Trung-Mỹ làm suy yếu kinh tế thị trường]

 Điều đó có nghĩa là tiến hành những cải cách lớn về giáo dục, hệ thống phúc lợi, chăm sóc sức khỏe và nhập cư; những sự đầu tư khổng lồ vào cơ sở hạ tầng, công nghệ và chế tạo sản xuất. Và trên hết là một quyết tâm đương đầu với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đã tác động đến xã hội Mỹ và chế độ đảng phái đầy cay đắng đã làm mất thể diện nền chính trị nước Mỹ. Đây là một chương trình nghị sự vô cùng lớn.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là một nửa, vì những tham vọng của ông Biden ở nước ngoài cũng lớn như ở trong nước – đặc biệt là mối quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc. Ông đã tuyên bố một cuộc đối đầu với Trung Quốc trên diện rộng, nhằm duy trì ưu thế kinh tế và công nghệ của Mỹ, khôi phục sự vượt trội chính trị và chiến lược của Mỹ trên toàn cầu.

Vì vậy, ngoài chương trình nghị sự đối nội khổng lồ của mình, ông Biden cũng đã chấp nhận thách thức quốc tế gay gắt nhất mà Mỹ từng đối mặt kể từ thời kỳ đỉnh điểm của cuộc Chiến tranh Lạnh. Quả thực, cuộc “Chiến tranh Lạnh mới” với Trung Quốc rõ ràng cho thấy nhiều thử thách hơn so với cuộc Chiến tranh Lạnh trước đây với Liên Xô, vì lý do đơn giản là Trung Quốc có sức mạnh kinh tế lớn hơn rất nhiều so với Liên Xô trước đây.

Tuy nhiên, chắc chắn sẽ có câu hỏi đặt ra là: Liệu Tổng thống Biden có thể làm được tất cả việc này? Liệu ông có thể đồng thời giải quyết được những vấn đề sâu sắc nhất của Mỹ ở trong nước và đánh bại kẻ thù đáng gờm nhất của mình ở nước ngoài? Và điều gì sẽ xảy ra nếu ông không thể? Những ưu tiên của ông sẽ nằm ở đâu nếu hoặc khi phải đưa ra những sự lựa chọn hết sức khó khăn giữa việc phục hồi trong nước và tái nổi lên ở nước ngoài?

Ông Biden dường như đã đưa ra một tín hiệu rõ ràng về điều này trong chiến dịch vận động tranh cử hồi năm ngoái, và một lần nữa trong tuần đầu tiên nhậm chức của mình, khi ông kêu gọi “một chính sách đối ngoại cho tầng lớp trung lưu”.

Đây là phiên bản “Nước Mỹ trước tiên” của ông Donald Trump. Tổng thống Biden đã cam kết rằng bất cứ điều gì ông làm bên ngoài lãnh thổ nước Mỹ trước hết sẽ nhằm mục đích đem lại lợi ích cho cuộc sống hàng ngày của tất cả các cử tri Mỹ. Hàm ý là rõ ràng, khi phải lựa chọn thì chương trình nghị sự trong nước sẽ luôn được ưu tiên.

Tuy nhiên, ông Biden và êkíp của ông lập luận rằng điều này sẽ không xảy ra. Họ cho rằng sẽ không có căng thẳng hay những lựa chọn khó khăn giữa các mục tiêu trong nước và quốc tế của Chính quyền Mỹ, vì cả hai đều có thể đạt được theo cùng một cách – bằng việc chuyển đổi nước Mỹ ở trong nước.

Chương trình tổng thể của họ được dựa trên ý tưởng cho rằng sự thành công trong chương trình nghị sự đối nội của ông Biden là chìa khóa để đạt được thành công trong chương trình nghị sự quốc tế.

Tổng thống Biden đã làm rõ điều này trong bài phát biểu chủ chốt của mình trước Quốc hội Mỹ hồi tháng Tư, khi ông tuyên bố rằng “chúng ta đang cạnh tranh với Trung Quốc và các quốc gia khác để giành chiến thắng trong thế kỷ 21”, và lập luận rằng một loạt cải cách trong nước mà ông đã đề xuất có ý nghĩa thiết yếu để giành thắng lợi trong cuộc cạnh tranh đó. Ông hứa hẹn, một khi nước Mỹ tự mình xây dựng lại được ở trong nước thì việc đánh bại thách thức Trung Quốc sẽ là điều dễ dàng.

Đây không phải là một ý tưởng hấp dẫn. Sau 20 năm thất bại và không mang lại kết quả trong những “cuộc chiến không có hồi kết” ở Trung Đông, các cử tri Mỹ bên ngoài Vành đai Washington (the Beltway) đã quá mệt mỏi với các cuộc thập tự chinh toàn cầu tốn kém mà họ cho là gây phương hại cho việc giải quyết các vấn đề trước mắt và cấp bách hơn ở trong nước.

Điều này được thể hiện không chỉ bởi sự thành công của phương châm “Nước Mỹ trước tiên” của ông Trump đối với những người thuộc đảng Cộng hòa, mà còn bởi sự hấp dẫn rõ ràng đối với nhiều người thuộc đảng Dân chủ về những lập luận tương tự, được đưa ra bởi những nhân vật tiến bộ then chốt như ông Bernie Sanders, rằng nước Mỹ cần tập trung ít hơn vào việc lãnh đạo thế giới mà tập trung nhiều hơn vào việc sửa chữa những sai lầm trong nước.     

Tuy nhiên, bên trong Beltway, cộng đồng chính sách đối ngoại của Washington (thuộc cả hai đảng) vẫn cam kết với vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Và giống như các chính trị gia ở khắp mọi nơi, họ dễ dàng tự thuyết phục bản thân mình rằng sẽ không phải đưa ra những lựa chọn khó khăn. Giá như cuộc sống trở nên dễ dàng như vậy.

Sự thật là Mỹ cần phải tiến hành cuộc cải cách lớn ở trong nước nếu họ muốn đánh bại thách thức Trung Quốc, nhưng kế hoạch “xây dựng lại tốt hơn” của Tổng thống Biden bản thân nó là chưa đủ. Sự thay đổi quyền lực theo cách của Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây không phải được thúc đẩy bởi sự yếu kém của Mỹ, mà bởi sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.

Vì vậy, ngay cả một nước Mỹ được phục hồi cũng sẽ cần làm nhiều hơn nữa để kiềm chế những tham vọng của Trung Quốc thay vì chỉ đơn giản khôi phục sự vinh quang trước đây của nó. Mỹ phải tiến hành một chiến dịch khổng lồ thực sự, có thể so sánh với cuộc Chiến tranh Lạnh trước đây, để chiến thắng kẻ thù hùng mạnh nhất mà Mỹ từng đương đầu. Và điều đó không thể đạt được mà không có những "hy sinh" lớn ở trong nước.

Khi đó, vấn đề ở đây là thời gian. Các kế hoạch của ông Biden nhằm xây dựng lại nước Mỹ sẽ mất nhiều thập kỷ, nhưng Trung Quốc đang thách thức Mỹ ngay lúc này. Nếu Mỹ muốn giành được thế kỷ 21 từ tay Trung Quốc, Washington không thể chờ đợi cho đến khi những kế hoạch này đơm hoa kết trái, vì thời gian trì hoãn càng dài thì Trung Quốc sẽ càng trở nên mạnh mẽ hơn và nhiệm vụ sẽ càng trở nên khó khăn hơn./

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục