Chính sách của Mỹ ở Biển Đông kể từ sau phán quyết của PCA

Chính sách Biển Đông của chính quyền Biden coi trọng các đồng minh của mình trong và ngoài khu vực, được phản ánh trong Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ-Philippines hiện áp dụng cho Biển Đông.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Gần như có một sự liên tục trong chính sách của Mỹ về Biển Đông kể từ thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump cho tới thời của Tổng thống Joe Biden. Đây là nhận định của tiến sỹ Vijay Sakhuja, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách, Hội đồng các vấn đề thế giới của Ấn Độ, nhân dịp kỷ niệm 5 năm phán quyết của Tòa trọng tài về vấn đề Biển Đông.

VietnamPlus xin giới thiệu bài viết trên, được đăng trên trang mạng The Peninsula.

Mỹ không đưa ra bất kỳ yêu sách về lãnh thổ nào ở Biển Đông và cũng không có bất kỳ lập trường nào về chủ quyền đối với các đảo, đá ngầm và các thực thể ở Biển Đông.

Chính sách năm 2010 của Mỹ là "không ủng hộ bên nào trong tranh chấp chủ quyền đối với các thực thể ở Biển Đông, Mỹ tin rằng các bên tranh chấp nên theo đuổi các yêu sách lãnh thổ của mình và các quyền đối với vùng biển thuộc vùng lãnh thổ đó phù hợp với công ước của Liên hợp quốc về luật biển."

Theo đó, Mỹ đã liên tục thúc giục các bên tranh chấp giải quyết xung đột dựa trên luật pháp quốc tế và không đe dọa hay ép buộc. Thậm chí vào năm 2016, Mỹ đã khuyến khích các bên giải quyết tranh chấp mà “không được ép buộc hoặc sử dụng hoặc đe dọa bằng vũ lực” sau khi của Tòa trọng tài thường trực (PCA) thông qua phán quyết cho vụ kiện của Philippines.

Tuy nhiên, vào tháng 7/2020, Mỹ đã thay đổi chính sách Biển Đông của mình khi đưa ra tuyên bố lập trường có tiêu đề “Mỹ - Lập trường của Mỹ về các yêu sách vùng biển tại Biển Đông.”

Tuyên bố thể hiện sự hoài nghi về “các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với nguồn tài nguyên ngoài khơi trên hầu khắp Biển Đông” và khẳng định rõ ràng rằng “những tuyên bố chủ quyền này cũng như chiến dịch chèn ép các nước nhằm kiểm soát Biển Đông là hoàn toàn trái pháp luật,” điều này trái ngược hẳn với các chính sách của Mỹ năm 2010.

[Mỹ đề cao việc bảo đảm trật tự hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế]

Kể từ khi đưa ra Tuyên bố lập trường về Biển Đông, nhiều nhà lãnh đạo của Mỹ đã đề cập đến nội dung này. Ví dụ, tại hội nghị thượng đỉnh G7 vào ngày 11-13/6/2021, Tổng thống Joe Biden đã tập hợp các nhà lãnh đạo của nhóm và thành công trong việc đạt được sự đồng thuận về cấp thiết của một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở và các nhà lãnh đạo G7 cũng bày tỏ quan ngại về “tình hình ở Biển Đông và Biển Hoa Đông” cũng như phản đối mạnh mẽ “bất kỳ hoạt động đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng.”

Gần như có một sự liên tục trong chính sách của Mỹ về Biển Đông kể từ thời chính quyền của Tổng thống Trump và vấn đề này luôn được thể hiện một cách nổi bật trong các tuyên bố của Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc ép buộc và đe dọa các nước láng giềng yếu thế.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã hướng sự chú ý của quốc tế đến hành vi xâm phạm “quyền chủ quyền của các nước láng giềng” và “gây mất ổn định khu vực” cũng như gây ra “sự tàn phá môi trường chưa bị phanh phui” đang diễn ra trên diện tích 12km2 ở Biển Đông.

Ngoài ra, “Mỹ sẽ hành động cho đến khi thấy Bắc Kinh chấm dứt những hành vi cưỡng bức ở Biển Đông, và Mỹ sẽ tiếp tục sát cánh với các đồng minh và đối tác trong việc chống lại hoạt động gây bất ổn này.”

Bên cạnh đó, ông Pompeo sẽ duy trì các cam kết của Mỹ với các đối tác ASEAN trong việc bảo vệ các quyền chủ quyền đối với “nguồn tài nguyên ngoài khơi phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của các nước theo luật pháp quốc tế.”

Chính quyền của Tổng thốngJoe Biden tiếp tục theo đuổi một chính sách tương tự như chính sách của người tiền nhiệm. Điều đó được thể hiện như trong cuộc trò chuyện với Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan vào ngày 1/7/2021 với Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh, hai bên đã thảo luận về vấn đề Biển Đông, bao gồm cả việc Mỹ ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016.

Không có gì ngạc nhiên khi một nhà bình luận Trung Quốc nhận xét rằng “Chính sách Biển Đông của chính quyền Biden coi trọng các đồng minh của mình trong và ngoài khu vực, điều này phản ánh chính xác tâm lý Chiến tranh Lạnh của Mỹ” và được phản ánh trong Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ-Philippines hiện áp dụng cho Biển Đông và các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông vẫn tiếp tục không suy giảm.

Ví dụ, năm 2017 có một vụ FONOP của Mỹ, năm 2018 có ba vụ, năm 2019 là chín vụ; 15 vào năm 2020; và trong năm nay, bốn FONOP đã được báo cáo.

Cũng có một sự nhấn mạnh mới về chủ nghĩa đa phương nhỏ dưới hình thức Đối thoại An ninh Tứ giác (QUAD) để hỗ trợ “chiến lược truyền thống dựa vào các đồng minh và đối tác” nhằm “thiết lập một trật tự khu vực mới do Mỹ thống trị.”

Nhà bình luận Trung Quốc khẳng định rằng “trong tương lai gần, ASEAN sẽ trở nên chia rẽ hơn về các vấn đề Biển Đông trong kỷ nguyên Biden. Các xung đột do cạnh tranh địa chính trị và tranh chấp hàng hải ở Biển Đông gây ra sẽ trở nên thách thức và không chắc chắn hơn.”

Tuần trước, khi phát biểu trong một diễn đàn về các vấn đề an ninh toàn cầu tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói rằng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ là nhằm chống lại Bắc Kinh và chiến lược “nên bị vứt bỏ vào một đống rác.”

Ông Vương Nghị cũng quan sát thấy rằng Trung Quốc sẽ phản đối bất kỳ khuôn khổ hợp tác nào nhằm “tiếp thêm nhiên liệu cho sự cạnh tranh” và “một hành động thúc đẩy sự chia rẽ” bề ngoài ám chỉ Đài Loan.

Cuối cùng, một cuộc khẩu chiến liên tục giữa các nhà lãnh đạo chính trị của Mỹ và Trung Quốc về Biển Đông có thể sẽ tiếp tục. Mặc dù vậy, các nước thành viên ASEAN có thể sẽ tiếp tục can dự với Trung Quốc để có Bộ Quy tắc ứng xử có tính ràng buộc pháp lý và tại Hội nghị các quan chức cấp cao lần thứ 19 về việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được tổ chức vào tháng 6.

Ngày 7/6/2021 tại Trùng Khánh, tất cả “các bên đã đồng ý tiếp tục sớm nhất có thể việc đọc bản thảo lần thứ hai của Văn bản đàm phán COC duy nhất và phấn đấu sớm kết thúc đàm phán”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục