Theo trang mạng thediplomat.com, những gì diễn ra trong 4 năm dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến giới tinh hoa cầm quyền châu Á hoang mang. Nhiều người hy vọng rằng Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden sẽ giúp họ trấn an lại.
Ngay trước khi ông Biden nhậm chức Tổng thống, các học giả kỳ vọng ông sẽ thể hiện được năng lực, kiềm chế trong các phát ngôn và bình thường hóa chính sách của Mỹ đối với châu Á.
Một năm sau, chính quyền của ông Biden đã làm đúng như vậy khi thay thế các chính sách gây tranh cãi và sự khó lường của ông Trump bằng phong thái chuẩn mực và sự tôn trọng dành cho các đồng minh và đối tác. Tuy nhiên, vấn đề là liệu Tổng thống Biden và đội ngũ nhân viên của ông có đáp ứng được những kỳ vọng khác hay không?
Cụ thể, Mỹ đang tăng cường quân sự hóa châu Á với mục tiêu mơ hồ là “chống lại” Trung Quốc, mang lại cho Lầu Năm Góc một “tấm séc trắng” về vị thế quốc phòng và chi tiêu quân sự, cho thấy sự đối lập trong thương mại quốc tế, thể hiện những tiến bộ trong việc củng cố nền dân chủ, không thay đổi hiện trạng đối với vấn đề hạt nhân Triều Tiên và theo đuổi một chính sách đối đầu với Trung Quốc từ bên trong, vốn đã mang tính cạnh tranh.
Từ những góc độ trên, có thể dự đoán rằng chính sách của Mỹ đối với châu Á đang gây ra nhiều rắc rối hơn là tháo gỡ vấn đề. Toàn bộ những động thái của chính quyền của ông Biden ở châu Á hầu như không thay đổi gì so với cách tiếp cận quân sự ban đầu có phần chậm chạp của ông Trump, kèm theo việc hồi sinh chính sách “xoay trục sang châu Á” dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama nhằm bảo vệ tham vọng bá quyền vốn đã không còn tồn tại của Mỹ ở khu vực này.
[Tỷ lệ ủng hộ ông Biden giảm mạnh nhất trong các đời Tổng thống Mỹ]
Rõ ràng, Mỹ đang thiếu một chính sách mạch lạc hay một “học thuyết Biden”. Nói cách khác, trong năm 2021, Mỹ đã nhất quán hơn trong hành động nhưng lại phân tán về mặt tư tưởng.
Nhìn vào những hạn chế chính trị trong nước mà ông Biden phải đối mặt cũng như cách bố trí nhân sự theo hệ tư tưởng của ông, tình hình khó có thể thay đổi.
Chính sách của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong năm 2021 cho thấy sự tiếp nối hơn là thay đổi so với thời ông Trump. Công bằng mà nói chính sách của nước Mỹ dưới thời Tổng thống Biden cũng có những thay đổi, nhưng chủ yếu chỉ mang lại sự ổn định và nhận thức trong ngắn hạn rằng Mỹ là một “cường quốc Thái Bình Dương” có trách nhiệm.
Trong ngoại giao, Tổng thống Biden đã “hạ giọng” và tăng tần suất phát ngôn. Chẳng hạn, bất chấp những khó khăn do đại dịch COVID-19, chính quyền Tổng thống Biden vẫn tiếp đón lãnh đạo các nước Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời âm thầm giải quyết những khó khăn chung với cả 2 đồng minh này - vốn có nhiều xích mích dưới thời ông Trump.
Họ cũng tránh xung đột với Trung Quốc và Triều Tiên, khác với thái độ của chính quyền tiền nhiệm khi tỏ ra hiếu chiến với Bắc Kinh và lớn tiếng đe dọa "hủy diệt" Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, bỏ qua những khác biệt này, điều đáng nói nhất là chính sách của Tổng thống Biden đối với châu Á vẫn không làm thay đổi được tất cả các vấn đề dài hạn đã có từ thời ông Trump./.