Chính sách của Ấn Độ thách thức Pakistan và Trung Quốc

Trung Quốc đã ủng hộ Pakistan - đối tác trong mọi hoàn cảnh của họ - trong một cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về động thái mới đây của Ấn Độ khi thay đổi quy chế của Jammu và Kashmir.
Chính sách của Ấn Độ thách thức Pakistan và Trung Quốc ảnh 1Binh sỹ Ấn Độ siết chặt an ninh tại thành phố Srinagar ngày 4/8/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng eastasiaforum.org đưa tin việc tái khẳng định Jammu và Kashmir là một phần hoàn toàn không thể tách rời của Liên bang Ấn Độ đã nhận được sự ủng hộ mang tính quyết định của Quốc hội nước này, nhưng đã khiến các phe phái ở Ấn Độ và Pakistan tức giận, điều này đặt tương lai của mối quan hệ Ấn Độ với các nước láng giềng Trung Quốc và Pakistan trước những nguy hiểm.

Ngày 6/8 vừa qua, Quốc hội Ấn Độ đã hủy quy chế đặc biệt của bang Jammu và Kashmir (JK) ghi trong Hiến pháp Ấn Độ tồn tại gần 70 năm qua, đánh dấu sự kết thúc quyền tự trị về hành chính và hiến pháp của JK.

Với động thái này, Ấn Độ tìm cách thực thi một hệ thống quản lý thống nhất trên toàn liên bang, bao gồm cả JK - chấm dứt quy chế "một quốc gia, hai hệ thống."

[Pakistan từ chối cho chuyên cơ của Thủ tướng Ấn Độ bay qua không phận]

Điều này có thể so sánh với nguyên tắc "một quốc gia, hai hệ thống" của Trung Quốc áp đặt với Hong Kong.

Khi Anh bàn giao Hong Kong cho Trung Quốc năm 1997, nguyên tắc "một quốc gia, hai hệ thống" đã được thiết lập để đảm bảo rằng Hong Kong sẽ giữ quyền tự trị hành chính và lập pháp trong vòng 50 năm.

Ngược lại, JK, khởi đầu là một tiểu vương quốc nằm dưới sự thống trị của Đế quốc Anh, đã sáp nhập vào Ấn Độ ngay sau khi nước này giành độc lập từ người Anh năm 1947.

Pakistan tiếp tục phản đối việc sáp nhập khu vực JK với đa số là người Hồi giáo vào Ấn Độ thế tục có đa số dân theo đạo Hindu (Ấn Độ giáo). Do những diễn biến chính trị-quân sự sau khi Ấn Độ bị chia tách thành nhiều quốc gia, Islamabad kiểm soát hai khu vực của tiểu vương quốc nguyên thủy - Azad Jammu và Kashmir (AJK) và Gilgit-Baltistan.

Sheikh Abdullah, nhà lãnh đạo nổi tiếng ở JK trong thời kỳ sáp nhập, đã tham gia quá trình soạn thảo Hiến pháp Ấn Độ và giành được quy chế đặc biệt cho bang của ông như một bộ phận cấu thành của Ấn Độ độc lập.

JK được phép có hiến pháp và lá cờ riêng và được trao quyền tự chủ trong mọi vấn đề, ngoại trừ giao thông liên lạc, quốc phòng và đối ngoại.

Tuy nhiên, tháng Tám vừa qua, sau khi tái đắc cử, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã xem xét lại quy chế đặc biệt cho JK và có bước đi nhằm thay đổi tương lai của JK.

New Delhi đã hủy bỏ quyền tự trị hoàn toàn của JK - bang ngày càng trở nên khó bảo - bằng cách viện dẫn một điều khoản trao quyền lực hợp pháp trong Điều 370 tạm thời của Hiến pháp, cho phép mọi công dân Ấn Độ từ giờ trở đi được hưởng quyền cư trú và tự do đi lại ở JK.

Ngày 31/10 tới, JK sẽ chính thức được chia thành 2 vùng lãnh thổ liên bang và bị tước bỏ vị thế một bang đặc biệt của Ấn Độ.

Hai đơn vị hành chính mới, cả hai đều là vùng lãnh thổ liên bang, gồm các khu vực của cộng đồng người Hồi giáo và Ấn Độ giáo ở JK, giáp biên giới với AJK do Pakistan kiểm soát và Ladakh theo Phật giáo và Ấn Độ giáo, nhưng có dân số theo Hồi giáo khá đông, nằm gần Trung Quốc. Các vùng lãnh thổ liên bang này sẽ được quản lý bởi Chính phủ Ấn Độ.

Modi đã gọi những động thái này là sự trao quyền hợp pháp tuyệt đối cho người dân JK và Ladakh, mang thông điệp này đến cộng đồng người Ấn Độ ở Mỹ và trước sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 22/9.

Nhưng tình cảm chống đối Ấn Độ trong các lực lượng ly khai ở JK, có hoặc không có sự hỗ trợ chủ động từ Pakistan, có thể tiếp tục đặt ra một thách thức cho Modi, người mà mọi phản ứng của ông sẽ được theo dõi trên toàn cầu.

Ngay từ đầu, Trung Quốc đã ủng hộ Pakistan - đối tác trong mọi hoàn cảnh của họ - trong một cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về động thái mới đây của Ấn Độ khi thay đổi quy chế của JK.

Một động thái khác cũng thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế, đó là tuyên bố của Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar hôm 18/9 rằng người Ấn Độ "hy vọng sẽ có thẩm quyền theo quy luật tự nhiên" đối với "phần lãnh thổ Kashmir do Pakistan chiếm đóng" trong tương lai.

Ngay lúc này, với động thái hội nhập hoàn toàn JK với phần còn lại của Ấn Độ, Modi có thể đã thực sự khuyến khích Islamabad xem xét một hành động hiến pháp trả đũa, biến Gilgit-Baltistan và AJK thành các tỉnh chính thức của Pakistan.

Nhưng Pakistan cho đến nay không đưa ra tín hiệu nào cho thấy khả năng sẽ có một động thái hiến pháp đáp trả như vậy.

New Delhi cho rằng Gilgit-Baltistan và AJK là một phần của tiêu vương quốc ban đầu của JK khi gia nhập Ấn Độ vào năm 1947. Những khu vực này vẫn đang có tranh chấp giữa Pakistan và Ấn Độ. Chính phủ New Delhi cũng đã phản đối Hành lang kinh tế Pakistan-Trung Quốc đi qua vùng lãnh thổ này.

Trung Quốc được cho là đã khuyến cáo Pakistan nên tìm các biện pháp chống lại sự phản đối của Ấn Độ. Một hành động hiến pháp trả đũa là một lựa chọn của Pakistan trong vấn đề này.

Trên một mặt trận ngoại giao liên quan, Trung Quốc tiếp tục thực thi chủ quyền đối với Aksai Chin, khu vực biên giới tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ, trong bối cảnh có những tranh chấp lãnh thổ liên quan đến Ladakh.

Tuy nhiên, ngày 12/8 vừa qua, Ấn Độ dường như đã tái khẳng định việc tuân thủ Đường kiểm soát thực tế Ấn Độ-Trung Quốc ở Ladakh và các nơi khác. Việc này có thể nhằm trấn an Trung Quốc rằng quyền lãnh thổ của vùng lãnh thổ liên bang mới Ladakh của Ấn Độ sẽ không mở rộng đến Aksai Chin.

Tuy nhiên, Jaishankar hôm 18/9 đã tuyên bố rõ rằng Ấn Độ không từ bỏ yêu sách chủ quyền đối với Aksai Chin. Ông cho biết quyết định mới nhất của Ấn Độ về Ladakh "không làm thay đổi đường biên giới bên ngoài của Ấn Độ."

Trong bối cảnh đối kháng như vậy, Trung Quốc và Ấn Độ đang tìm kiếm một thỏa thuận tạm thời mới để đáp ứng tình hình toàn cầu không ổn định hiện nay. Trung Quốc vẫn có liên quan đến tương lai của JK vì một hiệp định biên giới "tạm thời" ký với Pakistan trước đây liên quan đến Gilgit-Baltistan và AJK.

Tương lai của JK và những phản ứng của Pakistan cũng như của Trung Quốc sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với mối quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc-Pakistan./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục