Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam (26/12) năm 2024 có chủ đề “Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc.”
Năm 2024, công tác dân số bước sang năm thứ 5 thực hiện Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030. Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về dân số và phát triển được đẩy mạnh. Kết quả này đã góp phần quan trọng trong bảo vệ chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân.
Ông Lê Thanh Dũng - Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) cho hay một trong những chính sách cơ bản của Luật Dân số là “Duy trì mức sinh thay thế.” Mục tiêu của chính sách trên nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế: bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con trong phạm vi cả nước, nhằm ổn định quy mô dân số vào giữa thế kỷ XXI.
Việc duy trì mức sinh thay thế nhằm khắc phục tình trạng chênh lệch đáng kể mức sinh giữa các vùng, đối tượng và quy định quyền, nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con; bảo đảm thực hiện quyền con người trong thực hiện chính sách dân số.
Chính vì vậy, Bộ Y tế đang nghiên cứu, xây dựng khung chính sách tổng thể về dân số, bảo đảm tỷ suất sinh thay thế phù hợp với vùng, miền, đối tượng dân cư và số lượng, chất lượng dân số trình Quốc hội.
Bộ Y tế cũng đang xây dựng Đề án sửa đổi, bổ sung Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030 bảo đảm vững chắc mức sinh thay thế của quốc gia, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ năm 2025.
Từ năm 2021 đến năm 2023, mức sinh giảm từ 2,11 xuống 1,96 con/phụ nữ, thấp nhất lịch sử và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những năm tới.
Năm 2023, mức sinh khu vực nông thôn giảm xuống 2,07 con/phụ nữ, dưới mức thay thế lần đầu tiên, trong khi mức sinh thành thị dao động 1,7-1,8 con/phụ nữ. Đông Nam Bộ có mức sinh thấp nhất cả nước (1,47 con/phụ nữ), Đồng bằng sông Cửu Long thấp thứ hai (1,54 con/phụ nữ).
Nhiệm vụ của công tác dân số thời gian tới được Bộ Y tế xác định đó là tiếp tục nâng cao chất lượng dân số thông qua: Tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, tầm soát, sàng lọc trước sinh và sơ sinh nhằm phát hiện, can thiệp sớm bệnh tật ở thai nhi, trẻ sơ sinh, để trẻ em được sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh; thúc đẩy bình đẳng giới.
Trong công tác truyền thông, Bộ Y tế tiếp tục đẩy mạnh nâng cao nhận thức cho người cao tuổi tích cực tham gia khám sức khỏe định kỳ để phát hiện, quản lý, điều trị bệnh kịp thời, giúp tăng số năm sống khỏe mạnh, chất lượng sống, thích ứng với giai đoạn già hóa dân số…/.
Ngày Dân số Việt Nam năm 2024: Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh
Năm 2023, dân số Việt Nam đạt trên 104 triệu người, trong đó có khoảng 16 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm khoảng 16% dân số; dự báo, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có dân số già vào năm 2036.