Chính sách chênh lệch giá kỳ lạ của Nhật Bản nhằm hỗ trợ ngành du lịch

Nhật Bản đã bắt đầu phải áp dụng chính sách mức giá chênh lệch để đảm bảo lượng du khách tăng vọt sẽ không gây ảnh hưởng tới người dân địa phương, vốn là những khách hàng thường xuyên và trung thành.

Khách du lịch tại Kyoto, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Khách du lịch tại Kyoto, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Nếu bạn là người nói tiếng Nhật hoàn hảo và có thể tự tin gọi đồ ăn trong một quán sushi tại Tokyo, thì trong chuyến du lịch, bạn có thể nhận được nhiều lợi ích khi hòa nhập cùng người dân địa phương.

Theo bài viết được đăng tải trên CNN, Nhật Bản vốn không, hoặc rất ít khi tăng giá đối với khách du lịch nước ngoài. Nhưng tình trạng quá tải du lịch hậu COVID-19 và đồng yen suy yếu đã thúc đẩy các nhà hàng trong nước cân nhắc đến lợi ích của việc định giá khác biệt giữa du khách và người dân địa phương.

Shogo Yonemitsu, điều hành Tamatebako, một quán buffet hải sản nướng tại Shibuya, khu mua sắm nhộn nhịp của Tokyo, cho biết: “Mọi người thường nói rằng đó là sự phân biệt đối xử. Nhưng chúng tôi thực sự rất khó khăn khi phục vụ người nước ngoài, đôi khi vượt quá khả năng của chúng tôi.”

Ông khẳng định mình không tính thêm phí đối với khách du lịch. Thay vào đó, ông giảm 1.000 yen cho người dân địa phương, và cho biết “chúng tôi cần hệ thống định giá này vì lý do chi phí.”

Nhật Bản chỉ mở cửa trở lại hoàn toàn vào mùa Thu năm 2022 sau khi dỡ bỏ các hạn chế đi lại do đại dịch. Năm nay, cùng với việc đồng yen đã giảm giá xuống mức thấp nhất so với USD trong nhiều thập kỷ, khách du lịch đã quay trở lại đất nước này với số lượng lớn.

Theo dữ liệu của chính phủ, lượng khách du lịch đến Nhật Bản đạt kỷ lục 17,78 triệu trong nửa đầu năm 2024, và đang trên đà phá vỡ kỷ lục năm 2019 của quốc gia này là 31,88 triệu người.

Để ứng phó, các địa điểm trên khắp đất nước này bắt đầu áp dụng thuế du lịch, giới hạn du khách và thậm chí cấm bán rượu nhằm hạn chế tác động của các hoạt động du lịch.

Đầu năm nay, một thị trấn nghỉ dưỡng ở chân núi Phú Sĩ đã dựng một tấm lưới khổng lồ để chặn tầm nhìn ra ngọn núi mang tính biểu tượng này, sau khi khách du lịch đổ xô đến chụp ảnh gây ra tình trạng giao thông hỗn loạn cũng như rác thải bừa bãi.

Trong khi đó, các cơ quan du lịch tại Hokkaido, tỉnh cực Bắc của đất nước, vốn nổi tiếng với phong cảnh đẹp và các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết, thì lại thúc giục các doanh nghiệp giảm giá cho người dân địa phương.

Và một thị trưởng ở miền Tây Nhật Bản cho biết ông đang cân nhắc tính phí khách du lịch nước ngoài cao hơn sáu lần cho với người dân địa phương khi mua vé vào cửa tại Lâu đài Himeji được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Elisa Chan, phó giám đốc trung tâm nghiên cứu dịch vụ khách sạn của Đại học Trung Quốc tại Hong Kong, cho biết thiết lập mức giá chênh lệch có thể là một cách hiệu quả để chống lại tình trạng du lịch quá mức.

“Chủ sở hữu có thể muốn đảm bảo rằng sự gia tăng đột ngột về nhu cầu của khách du lịch không thể khiến cho tất cả khách hàng địa phương thường xuyên và trung thành của mình bỏ đi. Việc tính phí khách du lịch cao hơn có thể được coi là giải pháp cho vấn đề này,” bà cho biết

Yonemitsu, chủ nhà hàng Tamatebako, cho biết lượng khách du lịch đổ về không chỉ đơn giản là vấn đề thêm bàn. Nhà hàng phải thuê thêm nhân viên nói tiếng Anh để tiếp nhận đơn hàng, xử lý đặt chỗ và giải thích cho du khách mọi thứ, từ cách phân biệt sashimi với các món nướng, cho đến cách để hành lý. Ông cho biết nếu không làm như vậy sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn.

ttxvn_kyoto.jpg

“Một số người nói rằng ‘Chúng tôi không làm điều này ở đất nước của chúng tôi.’ Nhưng hãy thử nghĩ xem, kỹ năng nói tiếng Anh của người Nhật kém đến mức nào. Chúng tôi chưa đạt đến trình độ có thể gọi mình là cường quốc du lịch. Chúng tôi không thể nói tiếng Anh, nhưng chúng tôi không thể nói sai. Điều đó thực sự căng thẳng,” ông cho biết.

Việc niêm yết giá chênh lệch là rất mới mẻ ở Nhật Bản, nhưng trên thực tế đây là tình trạng phổ biến ở nhiều quốc gia. Vì giá dành cho người dân địa phương thường được viết bằng ngôn ngữ địa phương nên khách nước ngoài đôi lúc còn không hề biết rằng họ đã phải trả nhiều tiền hơn.

Shuji Miyake, điều hành một izakaya, hay còn gọi là một quán rượu bình dân ở quận Tsukiji của Tokyo, phục vụ món mỳ ramen tôm hùm với giá 5.500 yen – gấp 4 lần món mỳ với tôm mà anh thường phục vụ cho các khách hàng quen thuộc của mình. Anh cho biết món ăn cao cấp này dành cho những khách hàng mà anh biết có ngân sách cao hơn và sẵn sàng thử những thứ mới mẻ.

Du khách Australia Phoebe Lee cho biết cô không ngại trả thêm tiền nếu đồng yen yếu khiến cuộc sống của người dân địa phương trở nên khó khăn.

“Điều này giúp hỗ trợ để các doanh nghiệp địa phương có thể tiếp tục cung cấp cho chúng tôi, những du khách may mắn, những trải nghiệm tuyệt vời và bảo tồn những nét văn hóa quan trọng của Nhật Bản, như các nhà hàng nhỏ của gia đình hoặc ryokan (nhà trọ truyền thống) đích thực,” cô cho biết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục