Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành nội chính Đảng tổ chức ngày 22/1, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã nêu cách làm của địa phương trong công tác phòng, chống tham nhũng, đó là thực hiện Quy chế 1374 "cấp ủy, chính quyền phải tiếp thu ý kiến của nhân dân phản ánh về những nguy cơ cán bộ, công chức có sai phạm."
Kỷ luật 97 đảng viên, 142 cán bộ
Về công tác phòng, chống tham nhũng, theo ông Nguyễn Thiện Nhân, bên cạnh thực hiện những giải pháp chung thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh có điểm “đặc biệt” là thực hiện Quy chế 1374 quy định các cấp ủy, chính quyền phải tiếp thu ý kiến của nhân dân phản ánh về những nguy cơ cán bộ, công chức có sai phạm qua 4 nguồn tin. Đó là, tin qua công tác giám sát của Mặt trận, đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân; tin qua tiếp xúc cử tri mà người dân phản ánh; tin qua nhân dân tố cáo, khiếu nại và tin do báo chí đăng.
“Đây là 4 nguồn tin mà ngày nào, tháng nào, quý nào cũng có thể có, nhưng lâu nay chưa xử lý tốt,” Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh và cho biết, quy chế trên quy định rõ, khi có tin thì cấp ủy phải chỉ đạo chính quyền liên quan xử lý, báo cáo cấp ủy có thời hạn."
[Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, để không thể tham nhũng]
Từ khi thực hiện, năm 2018, hệ thống Đảng và chính quyền, Mặt trận các cấp đã tiếp nhận hơn 3.500 tin có nguy cơ sai phạm trong cán bộ, công chức và sự việc xảy ra. Đến nay, hơn 3.000 tin đã được xử lý.
“Qua xử lý có 2 kết quả quan trọng. Một là, các cấp ủy quan tâm lắng nghe ý kiến của nhân dân, ý kiến của báo chí, ý kiến của giám sát, tiếp xúc cử tri. Thứ 2, là phải kỷ luật 97 đảng viên từ khiển trách đến khai trừ; về chính quyền đã xử lý 142 công chức từ khiển trách cho đến buộc thôi việc,” Bí thư Thành ủy cho biết.
Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy Thành ủy Hồ Chí Minh, hiện các chương trình kiểm tra, chương trình thanh tra, chương trình giám sát không đồng bộ hóa, nên việc phối hợp chưa tốt. Ông dẫn chứng, qua tiếp dân của các cấp, thành phố nhận 8 nghìn kiến nghị về vụ việc giải quyết, riêng hệ thống kiểm tra đảng tiến hành 4 nghìn cuộc kiểm tra, giám sát. Ngoài ra còn có hệ thống thanh tra các cấp.
“Đối chiếu 8.000 vụ việc yêu cầu giải quyết, với hàng nghìn cuộc kiểm tra, thanh tra, giám sát thì đồng bộ, trọng tâm đến đâu? Có trùng lắp không? Có trùng lắp! Có sót không? Có sót! Giải quyết đến nơi đến chốn chưa? Có cái đến nơi đến chốn, có cái chưa,” Bí thư Thành ủy Hồ Chí Minh nói.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết, từ năm 2019, thành phố giao cơ quan kiểm tra của Đảng tập hợp kế hoạch giám sát của Mặt trận, Hội đồng Nhân dân, kế hoạch thanh tra, kế hoạch kiểm tra của Đảng, rà soát đề tránh trùng lắp, cũng như chia sẻ kết quả để “xử lý hiệu quả hơn, đến nơi, đến chốn."
Cùng với đó, cần có cơ chế để không những không dám, mà còn không muốn tham nhũng. Như nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó đồng ý để Thành phố có thu nhập tăng thêm. Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, kể cả chi thu nhập tăng thêm cũng phải gắn với sự hài lòng của người dân.
“Cơ quan nào làm tốt, chỉ số hài lòng của người dân cao, thì phần phân chia thu nhập tăng thêm đến tập thể cao. Nơi nào sự hài lòng của người dân thấp thì không được phân chia thu nhập tăng thêm phù hợp để có động cơ phát huy các sáng kiến,” người đứng đầu Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Nếu có sai sót thì phải nhận
Đề cập đến tình hình khiếu kiện kéo dài, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết, hiện trên địa bàn thành phố còn 12 vụ việc kéo dài nhiều năm. Thành phố đã thành lập tổ công tác. Qua giải quyết một số vụ việc như vụ Chợ An Đông, vụ Thủ Thiêm, theo Bí thư Thành ủy, sở dĩ kéo dài có phần lỗi của các cơ quan quản lý.
“Chúng ta có những cái sai, cái yếu kém, nhưng không nhận hoặc nhận không đầy đủ, mình né tránh thì bà con không chịu. Bên cạnh đó, trong các bà con bức xúc kéo dài, có một số đối tượng lợi dụng để kích động,” Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nói.
Ông nêu cụ thể, như vụ Thủ Thiêm, khiếu kiện kéo dài rất lâu. Vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận bước đầu, qua đó thấy rằng, quy hoạch có sai sót, triển khai quy hoạch cũng sai sót khi một phần đất lúc đầu không có trong quy hoạch nhưng về sau lại có.
Theo Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, vấn đề này phải có giải pháp, tìm cách giải quyết. Đến nay, 85% số hộ khiếu nại đã đồng tình với hướng giải quyết của Thành phố.
“Nếu chúng ta có sai sót thì phải nhận. Với người dân thì phải tìm hiểu lý do chính đáng, chăm lo cho dân. Đối tượng kích động, chống đối thì có biện pháp riêng. Hai biện pháp này đi đôi với nhau thì mới giải quyết được”, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nêu bài học kinh nghiệm./.