Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đang nỗ lực theo đuổi chính sách năng lượng sạch với hy vọng sẽ tạo thêm nhiều việc làm cũng như giúp quốc gia nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới này đối phó với những biến động toàn cầu.
Trong một báo cáo dày 42 trang về chính sách năng lượng được công bố ngày 29/5, Nhà Trắng nhận định hoạt động sản xuất khí đốt trong nước đang có xu hướng gia tăng và việc tiêu thụ dầu mỏ đang được cắt giảm đáng kể là những yếu tố giúp Mỹ có cơ hội đạt được các mục tiêu kinh tế và môi trường.
Báo cáo nêu rõ việc Mỹ hướng tới khai thác dầu mỏ cũng như cắt giảm việc nhập khẩu nguyên liệu này đã giúp nền kinh tế đầu tàu thế giới giảm sự phụ thuộc cũng như ít bị tổn thương trước những biến động của giá dầu thế giới.
Theo Nhà Trắng, việc sản xuất năng lượng trong nước, tăng cường sử dụng năng lượng gió và Mặt Trời cũng như cắt giảm tiêu thụ dầu mỏ đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế và an ninh năng lượng, từ đó góp phần cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính cũng như giải quyết được những thách thức về biến đổi khí hậu.
Báo cáo của Nhà Trắng cũng nêu một danh sách dài các sáng kiến năng lượng của chính quyền Tổng thống Obama, trong đó đặt ra các tiêu chuẩn mới về tiết kiệm nhiện liệu cho các phương tiện giao thông và đề xuất việc xây dựng các nhà máy điện chạy bằng các nguồn năng lượng tái tạo nhằm góp phần giảm phụ thuộc vào lượng dầu mỏ nhập khẩu.
Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) dự kiến trong ngày 2/6 tới sẽ công bố một dự thảo các quy định về lượng khí thải CO2 đối với các nhà máy điện chạy bằng than đá.
Mặc dù nhận được sự ủng hộ của người dân, song một số quan chức Mỹ vẫn bày tỏ lo ngại những quy định này sẽ khiến giá điện tăng cao, ảnh hưởng đến việc làm và kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế.
Trước đó, nghiên cứu mang tên "Thay đổi chất lượng không khí" được Hội đồng Kinh tế tiết kiệm năng lượng Mỹ (ACEEE) mới đây công bố ước tính Mỹ có thể tạo ra hơn 600.000 việc làm có chuyên môn, giảm thiểu mức độ ô nhiễm và đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, đồng thời có thể thu về 17 tỷ USD chỉ bằng cách tăng cường tiết kiệm năng lượng.
Nghiên cứu cũng dự đoán các ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng mà nền kinh tế đầu tàu thế giới đang theo đuổi hiện nay có thể giảm bớt 25% nhu cầu điện của Mỹ, tương đương với việc đóng cửa 494 nhà máy điện ở nước này vào năm 2030.
Các tác giả của nghiên cứu trên nhận định điều này sẽ giúp chi phí năng lượng của Mỹ giảm cũng như góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước./.