Ngày 8/5, Tổng thống tạm quyền Ukraine Oleksander Turchynov và Thủ tướng tạm quyền Arseni Yaseniuk đã đưa ra sáng kiến tổ chức một cuộc "hội nghị bàn tròn thống nhất dân tộc."
Theo đề xuất được đưa ra trong một tuyên bố chung, hội nghị bàn tròn sẽ thảo luận những nguyện vọng cấp thiết của các khu vực, vốn đang gây ra những bất đồng sâu sắc hiện nay trong xã hội như phân cấp quyền lực, cải cách chính quyền địa phương, đảm bảo thế cân bằng giữa các nhánh quyền lực, bảo vệ quyền của dân tộc ít người, cải cách quan hệ pháp lý giữa nhà nước và xã hội, cải cách hệ thống tòa án và bảo vệ pháp luật.
Các nhà lãnh đạo lâm thời Ukraine cũng khẳng định lắng nghe kinh nghiệm của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), sẵn sàng đối thoại với tất cả các bên có mục đích chính trị chính đáng và sẵn sàng bảo vệ mục đích đó bằng con đường hợp pháp.
Các thỏa thuận được đưa ra trong đối thoại sẽ được Quốc hội triển khai vào cuộc sống, bao gồm cả cách thông qua sửa đổi Hiến pháp và pháp luật Ukraine.
Liên quan tới "lộ trình" nhằm thực hiện thỏa thuận Geneva ngày 17/4 về giải quyết khủng hoảng tại Ukraine, do OSCE đưa ra và đã được gửi đến Mỹ, Nga, Ukraine và Liên minh châu Âu, các bên hiện đang nghiên cứu đề xuất này.
Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết sau đó sẽ đưa ra đề xuất của mình, tuy nhiên khẳng định Kiev sẽ không dừng chiến dịch quân sự tại miền Đông.
Điều này đi ngược lại quan điểm của Nga cho rằng chấm dứt tất cả các hành động bạo lực tại miền Đông-Nam Ukraine, trước hết là ngừng ngay việc sử dụng quân đội và giải giáp các nhóm cực đoan kiểu "Cánh hữu," phải là ưu tiên chính của OSCE.
Nga khẳng định sẵn sàng trung thực tìm kiếm giải pháp nhượng bộ về Ukraine, tuy nhiên yêu cầu các đối tác phương Tây cũng phải thực hiện nghĩa vụ của mình trong vấn đề này.
Về phần mình, Mỹ hoan nghênh nỗ lực của OSCE trong giải quyết khủng hoảng tại Ukraine, cho biết sẽ thảo luận với tổ chức này và EU về các biện pháp nên thực hiện trước mắt.
Dự thảo "lộ trình" giải quyết khủng hoảng tại Ukraine do Chủ tịch OSCE soạn thảo nhằm triển khai các thỏa thuận đạt được ngày 17/4 giữa chính quyền lâm thời Ukraine, Nga, EU và Mỹ.
Cho đến nay các thỏa thuận đó vẫn chưa được thực hiện, và OSCE hy vọng thông qua "lộ trình" này sẽ định rõ các bước đi cụ thể mà từng bên phải tiến hành để giảm leo thang xung đột, chấm dứt bạo lực, tiến hành bầu cử./.
(TTXVN/Vietnam+)