Chính quyền 'bó tay' nhìn rừng phòng hộ bị lấn chiếm 22 năm

Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng phòng hộ đầu nguồn tại huyện Krông Năng, Đắk Lắk, diễn ra từ năm 1995 nhưng chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng vẫn chưa giải quyết triệt để.
Rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc tiểu khu 323, xã Ea Tam, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) bị lấn chiếm trồng lúa nước. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Krông Năng, thời điểm tháng 6/2017, tổng diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn huyện Krông Năng bị chặt phá, lấn chiếm là hơn 11ha, nằm trong khu vực vùng lõi của tiểu khu 323, xã Ea Tam, huyện Krông Năng.

Trong tổng số 11ha rừng đầu nguồn bị chặt phá, lấn chiếm đã được người dân canh tác một số loại cây công nghiệp dài ngày, lúa nước và hoa màu gồm diện tích cà phê 7,399ha; lúa nước 2,397ha; cao su 0,973ha; hoa màu 0,94ha.

Điều đáng nói, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, canh tác trên rừng phòng hộ đầu nguồn đã diễn ra từ năm 1995 đến nay nhưng chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng phát hiện chậm, không kịp thời xử lý.

Từ đó dẫn đến việc người dân ngang nhiên mở rộng diện tích lấn chiếm, canh tác ổn định trên đất rừng phòng hộ đầu nguồn, gây nhiều khó khăn cho công tác thu hồi, khôi phục và bảo vệ rừng.

[Đắk Nông: Thanh tra toàn diện vụ mất 53ha rừng tại Quảng Sơn]

Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Krông Năng, tình trạng lấn chiếm đất rừng phòng hộ đầu nguồn trái pháp luật đã diễn ra tại lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng.

Đến nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng mới tiến hành rà soát, thống kê về hành vi phá rừng, gây khó khăn cho công tác xử lý về mặt hành chính và hình sự.

Rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc tiểu khu 323, xã Ea Tam, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) bị chặt phá, lấn chiếm trong thời gian dài. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Cụ thể, hầu hết các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng phòng hộ đầu nguồn diễn ra đã lâu, không được phát hiện và lập biên bản vi phạm, đến nay đã hết thời hạn, thời hiệu ra quyết định xử phạt, gây khó khăn cho công tác xử lý, phục hồi rừng.

Ông Bùi Tiến Hoàng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Năng cho biết đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng thống kê toàn bộ diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn huyện Krông Năng bị người dân chặt phá, lấn chiếm, đồng thời tham mưu Ủy ban Nhân dân huyện Krông Năng lên phương án giải tỏa, cưỡng chế, thu hồi diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn bị lấn chiếm tại tiểu khu 323, xã Ea Tam và phương án trồng rừng thay thế, phục hồi rừng đầu nguồn đã mất.

Ông Châu Văn Lượm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Krông Năng cho biết huyện Krông Năng đã lên kế hoạch xử lý vi phạm, giải tỏa, cưỡng chế diện tích đất rừng phòng hộ đầu nguồn bị chặt phá, lấn chiếm trái phép tại tiểu khu 323, xã Ea Tam nhằm phá bỏ cây trồng trên đất rừng, thu hồi đất rừng bị lấn chiếm trái phép và trồng rừng thay thế trong năm 2017.

Huyện cũng lên phương án bảo vệ đất rừng đã thu hồi, tránh tình trạng tái lấn chiếm. Tuy nhiên, đến nay, Ủy ban Nhân dân huyện Krông Năng vẫn chưa tiến hành thu hồi diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn bị lấn chiếm.

Rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc tiểu khu 323, xã Ea Tam, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) bị lấn chiếm trồng cây càphê. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Thiết nghĩ, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng cần kiên quyết trong việc thu hồi toàn bộ diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn bị phá, lấn chiếm trái phép, phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn để phát huy đúng mục đích sử dụng.

Đặc biệt, cần xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng phòng hộ, làm rõ trách nhiệm các cá nhân, tập thể buôn lỏng quản lý rừng trong thời gian dài dẫn đến việc mất đất, mất rừng, gây khó khăn cho công tác xử lý, phục hồi rừng đã mất./.  

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục