Hoạt động du lịch đang trên đà phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19 với lượng khách quốc tế tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia, việc thu hút và “níu chân” du khách quốc tế là điều hết sức quan trọng.
Diễn đàn “Dịch vụ Logistics Hàng không cho phát triển thương hiệu điểm đến du lịch Việt Nam” đi tìm lời giải cho câu hỏi “tại sao điểm đến là Việt Nam?” diễn ra ngày 26/12 đã được thảo luận từ nhiều góc độ.
Yếu tố cốt lõi tạo nên sức hút cho du lịch Việt
"Khi nói đến một đất nước du lịch thì chúng ta đã là một thương hiệu lớn chưa? Người nước ngoài muốn đi du lịch có nhắc đến Việt Nam không?" - câu hỏi đầy trăn trở của ông Nguyễn Ngọc Bích, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Rustic Hospitality Group, đã khiến cho cuộc thảo luận tại diễn đàn trở nên sôi nổi. Bởi lẽ, hiện nay hơn 190 quốc gia trên thế giới đều đang nỗ lực quảng bá du lịch và Việt Nam cần phải có sự khác biệt với thương hiệu quốc gia thực sự ghi dấu ấn trên “bản đồ” du lịch thế giới.
Bức tranh đa sắc của du lịch Việt Nam năm 2024 - nhìn từ những con số
Năm 2024 chưa khép lại nhưng những con số thống kê ấn tượng cho thấy đây là năm khởi sắc của ngành du lịch, khẳng định sự phục hồi và bứt phá mạnh, hứa hẹn ngành công nghiệp không khói này năm sau.
Giữa vô vàn lựa chọn, điều gì đã thu hút du khách đến với Việt Nam? Tại diễn đàn, các chuyên gia cho rằng hai yếu tố an toàn và chất lượng chính là hai yếu tố cốt lõi. Bên cạnh đó, sự ổn định chính trị, an ninh xã hội cùng với tài nguyên du lịch phong phú (từ văn hóa, tự nhiên đến con người) chính là nền tảng vững chắc cho sự phát triển du lịch bền vững. Chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao cũng là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên trải nghiệm tích cực cho du khách.
Theo số liệu Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 11 đạt 1,7 triệu lượt, cao nhất từ đầu năm đến nay, tăng 20,5% so với tháng Mười và tăng 38,8% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 11 tháng của năm 2024, số lượng khách quốc tế đã đạt hơn 15,8 triệu lượt người, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước.
Tiến sỹ Lê Tuấn Anh, Trưởng Khoa Quản trị Du lịch và Ngôn ngữ Quốc tế, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, cho biết khách du lịch đến từ châu Á đóng góp gần 80% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Các thị trường lớn ở khu vực Đông Bắc Á sẽ là động lực chính cho sự tăng trưởng lượng khách quốc tế. Bên cạnh đó, khách du lịch đến từ châu Âu tăng trưởng khả quan. Đây đều là những thị trường được hưởng chính sách miễn thị thực nhập cảnh vào Việt Nam với thời hạn tạm trú lên đến 45 (ngày áp dụng từ 15/8/2023).
“Với hiệu quả từ chính sách thị thực thông thoáng cùng các hoạt động xúc tiến, quảng bá sôi động, khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng nhanh vào những tháng cuối năm và dự kiến ngành du lịch sẽ hoàn thành mục tiêu đón 17-18 triệu khách quốc tế năm 2024,” ông Tuấn Anh chia sẻ.
Đòn bẩy cho du lịch cất cánh
Tại diễn đàn, tiến sỹ Bùi Thanh Thủy, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, nhận định Việt Nam có nhiều tiềm năng du lịch nhưng cần tạo ra hệ thống sản phẩm mang tính đặc trưng, quảng bá thương hiệu quốc gia hiệu quả. Bà cũng cho rằng đến việc ngành du lịch cần hướng tới tăng trưởng và phát triển xanh, bền vững.
Về logistics hàng không, bà Thủy cho biết giá vé máy bay cao là một hạn chế, cần sự hợp tác để giải quyết. Do đó, bà đề xuất cần có sự bắt tay, liên kết giữa các bên liên quan, thực hiện tốt các kế hoạch và chính sách hiện có thay vì chỉ tập trung sửa đổi Luật đồng thời cần chú trọng phát triển giao thông vận tải, đặc biệt là đường bộ và hàng không.
Bà Thủy nhấn mạnh việc cải thiện cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật là cần thiết trong giai đoạn phát triển kinh tế hiện nay. Tuy nhiên, bà lưu ý việc kiểm soát quá trình này và cần tránh tình trạng nhà đầu tư chỉ nhắm vào lợi ích kinh doanh mà bỏ qua các yếu tố bền vững, gây mất mát tài nguyên. Bà cho rằng cần học hỏi mô hình "du lịch có trách nhiệm" của Liên minh châu Âu, trong đó mỗi cá nhân, tổ chức đều ý thức rõ trách nhiệm của mình trong hoạt động du lịch.
Nhấn mạnh logistics trong lĩnh vực hàng không là yếu tố then chốt để kích cầu du lịch, kết nối Việt Nam với thế giới, ông Võ Huy Cường, nguyên Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết thêm thị trường vận tải hàng không Việt Nam đã phục hồi ấn tượng và đạt mức tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, ông cũng đồng thuận quan điểm giá vé máy bay vẫn là một rào cản đối với nhiều du khách.
Vì vậy, các chuyên gia có chung quan điểm cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các hãng hàng không, doanh nghiệp lữ hành và cơ quan quản lý để xây dựng các gói sản phẩm du lịch hấp dẫn, từ đó tối ưu hóa chi phí và nâng cao trải nghiệm du khách. Bên cạnh đó, việc phát triển đường sắt cao tốc, đường cao tốc và các phương tiện vận tải khác cũng góp phần đa dạng hóa lựa chọn di chuyển cho du khách.
Về nhận diện thương hiệu cho du lịch Việt Nam, các chuyên gia cho rằng không nên chỉ tập trung vào quảng bá tài nguyên hay dịch vụ, mà cần xây dựng một “câu chuyện” về thương hiệu quốc gia độc đáo, chạm đến cảm xúc của du khách.
"Dấu ấn là điều rất quan trọng," ông Nguyễn Ngọc Bích khẳng định. Theo ông, dấu ấn đến từ những giá trị khác biệt, những trải nghiệm văn hóa độc đáo mà chỉ Việt Nam mới có. Do vậy, ông Bích khuyến nghị ngành du lịch cần truyền thông cần tập trung vào những giá trị cốt lõi, tạo nên sự khác biệt của Việt Nam so với các điểm đến khác trên thế giới.
Để du lịch Việt Nam thực sự cất cánh, các chuyên gia đã đề xuất một số giải pháp và kiến nghị. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến việc truyền thông mạnh mẽ về điểm đến an toàn, chất lượng, như tập trung vào sự ổn định chính trị, an ninh trật tự và chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy phát triển logistics hàng không, điều này nhằm tối ưu hóa chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Về xây dựng “câu chuyện” thương hiệu độc đáo nền tập trung vào những giá trị văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam.
Mặt khác, các diễn giả cho rằng cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, cụ thể là thu hút đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm và mở rộng thị trường. Đặc biệt là phát triển du lịch xanh, bền vững, hướng tới bảo vệ môi trường, gìn giữ bản sắc văn hóa, tạo nên những trải nghiệm du lịch có trách nhiệm. Để làm được những điều này, các cấp quản lý sớm hoàn thiện chính sách, cơ chế từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, nâng cao năng lực quản lý điểm đến.
Các diễn giả cũng đều đồng tình để đạt được mục tiêu thu hút khách quốc tế, ngành du lịch cần chuyển từ cam kết sang hành động. Trong đó, việc xây dựng kế hoạch chi tiết, phân công trách nhiệm rõ ràng và triển khai đồng bộ các giải pháp là yếu tố then chốt để thành công.
"Chúng ta làm sao phải bắt tay thực sự, phải triển khai tốt được," tiến sỹ Bùi Thanh Thủy nhấn mạnh.
Tại diễn đàn, đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đưa ra cam kết tiếp tục hành động, kết nối các bên liên quan và đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành du lịch Việt Nam. Với sự chung tay của các bên, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành điểm đến hàng đầu trong khu vực và trên thế giới./.