Theo một nguồn tin thân cận với Phủ Tổng thống Yemen, chính phủ nước này ngày 11/9 đã đạt được một thỏa thuận với các phiến quân Hồi giáo dòng Shi'ite - lực lượng đã phát động làn sóng biểu tình chống chính phủ trong nhiều tuần qua ở thủ đô Sanaa. Động thái này đánh dấu việc chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị gần đây nhất ở Yemen.
Nguồn tin cho biết "một thỏa thuận đã đạt được vào tối 10/9," theo đó "một thủ tướng mới sẽ được chỉ định trong vòng 48 giờ" và giá nhiên liệu sẽ tiếp tục được cắt giảm. Đổi lại, lực lượng nổi dậy người Houthi nhất trí "tháo dỡ các lán trại biểu tình và rút các tay súng" khỏi Sanaa cũng như các khu vực lân cận.
Trước đó, người Houthi đã tổ chức các cuộc biểu tình ngồi đòi giải tán chính phủ mà lực lượng này cáo buộc tham nhũng và kêu gọi khôi phục các trợ cấp nhiên liệu mới bị bãi bỏ. Người biểu tình cũng từ chối đề xuất đàm phán của Tổng thống Mansur Hadi, theo đó chỉ định thủ tướng mới và giảm giá nhiên liệu.
Theo một nguồn thạo tin, lực lượng nổi dậy đã đưa ra một danh sách các yêu sách bao gồm loại bỏ tận gốc tham nhũng, trao cho người Houthi thêm quyền lực tại các cơ quan công tố, lực lượng an ninh và tình báo. Họ cũng đòi Tổng thống Mansur Hadi phải tham vấn họ khi chỉ định thủ tướng mới cũng như bộ trưởng các bộ quốc phòng, nội vụ, ngoại giao và tài chính.
Nhiều năm nay, nhóm phiến quân Houthi đã nổi dậy chống quân đội Yemen ở các khu vực miền Bắc nước này. Tháng 8/2010, Huthi đã ký một thỏa thuận ngừng bắn với chính phủ, kết thúc 6 năm xung đột.
Tuy nhiên, kể từ khi chính phủ được thành lập năm 2012 sau các cuộc biểu tình kéo dài một năm dẫn tới sự ra đi của Tổng thống Ali Abdullah Saleh, Yemen đã bắt đầu một tiến trình chuyển tiếp chính trị khó khăn. Lợi dụng khoảng trống an ninh này, nhóm Houthi đã mở rộng kiểm soát ra các tỉnh miền Bắc.
Ngày 8/7 vừa qua, nhóm này chiếm tỉnh miền Bắc Amran (Am-ran), cách thủ đô Sanaa khoảng 50km, và tổ chức các cuộc biểu tình phản đối kéo dài suốt tháng 8 yêu cầu chính phủ từ chức./.