Ngày 18/8, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã ra lệnh tịch thu tài sản của 187 doanh nhân tình nghi có quan hệ với Giáo sỹ Hồi giáo Fethullah Gulen - người bị Ankara cáo buộc là chủ mưu của cuộc đảo chính quân sự bất thành hồi giữa tháng trước.
Theo hãng tin Anadolu, cảnh sát đã mở chiến dịch lớn tại thành phố Istanbul và các tỉnh thành khác nhằm vào các công ty bị tình nghi có liên hệ với Giáo sỹ Gulen đang sống lưu vong ở Mỹ.
Đây được xem là chiến dịch trấn áp lớn nhất của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào các doanh nghiệp kể từ khi xảy ra cuộc đảo chính quân sự hồi trung tuần tháng 7 vừa qua.
Các công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ đã phát lệnh bắt giữ và tịch thu tài sản của 187 người, bao gồm cả các giám đốc điều hành của nhiều doanh nghiệp lớn hàng đầu.
Trong khi đó, hãng tin tư nhân Dogan đưa tin 60 người trong số 187 người bị tình nghi kể trên đã bị bắt giữ.
Tính đến nay, chính quyền Ankara đã chính thức bắt giữ 20.355 người, trong số hơn 40.000 đối tượng bị tạm giam với cáo buộc có liên quan tới cuộc chính biến vào đêm 15/7 vừa qua.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, giới chức Hy Lạp cho biết chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức đề nghị dẫn độ 8 binh sĩ đã chạy khỏi nước này sang Hy Lạp sau vụ đảo chính bất thành kể trên.
Theo nguồn tin ngoại giao Hy Lạp, Athens đã nhận được đề nghị dẫn độ của chính quyền Ankara ngày 17/8 và đã gửi cho Bộ Tư pháp xử lý.
Một ngày sau vụ đảo chính bất thành vào đêm 15/7 vừa qua, 8 quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ trên một máy bay trực thăng quân sự đã hạ cánh xuống sân bay thành phố Alexandroupolis ở miền Bắc Hy Lạp, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiện cả 8 người này, gồm 2 trung tá, 4 đại úy và 2 trung sỹ, đều nộp đơn xin tị nạn tại Hy Lạp.
Chính phủ Hy Lạp cho biết sẽ xem xét kỹ vụ việc, đồng thời khẳng định tiến trình sẽ diễn ra đúng luật pháp quốc tế và các hiệp ước về quyền con người./.