Chính phủ Thái vận động dân ủng hộ dự thảo hiến pháp mới

Hiện nay nhiều người dân Thái Lan vẫn còn hoài nghi, trong khi truyền thông nước này lại liên tục trích dẫn các ý kiến chỉ trích những nội dung trong dự thảo hiến pháp mới.
Chính phủ Thái vận động dân ủng hộ dự thảo hiến pháp mới ảnh 1Một phiên họp của Hội đồng quốc gia vì hòa bình và trật tự Thái Lan. (Nguồn: Xinhuanet)

Chính phủ Thái Lan và Hội đồng quốc gia vì hòa bình và trật tự (NCPO) ngày 3/2 đã bắt đầu một chiến dịch vận động người dân ủng hộ dự thảo hiến pháp vừa được Ủy ban soạn thảo hiến pháp (CDC) công bố hôm 29/1.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh nhiều người dân Thái Lan vẫn còn hoài nghi, trong khi truyền thông nước này lại liên tục trích dẫn các ý kiến chỉ trích những nội dung trong dự thảo hiến pháp.

Theo người phát ngôn Chính phủ Thái Lan, Đại tá Thaksada Sungkajan, từ ngày 3/2-15/2, một chương trình truyền hình mang tên "Giới thiệu hiến pháp mới" sẽ được phát sóng toàn quốc vào 8 giờ và phát lại vào 18 giờ hàng ngày.

Chương trình này sẽ giúp giải thích cho người dân về tinh thần chủ đạo và các nội dung chính trong bản dự thảo hiến pháp mới.

Trong khi đó, NCPO cũng chỉ định nhiều nhân vật trong giới quân sự triển khai hoạt động quảng bá cho bản dự thảo hiến pháp mới.

Đại tướng Veeran Chanthasart, cố vấn của Lục quân Hoàng gia Thái Lan (RTA) đã được chỉ định làm người phụ trách chiến dịch vận động công luận này của NCPO và RTA.

Đại tá Piyapong Klinphan cũng được chỉ định tham gia cùng Đại tá Winthai Suwaree, người phát ngôn của NCPO, thực hiện nhiệm vụ phản bác lập luận của các chính trị gia và nhân vật chống đối khác.

Dự thảo hiến pháp vừa được công bố của Thái Lan gồm 270 điều mục, đã bị giới học giả, đảng Pheu Thai, Mặt trận thống nhất vì dân chủ chống độc tài kịch liệt chỉ trích vì các điều khoản cho phép thủ tướng có thể không phải là nghị sỹ dân chủ, ghế thượng nghị sỹ không qua bầu cử và nhiều vấn đề gây tranh cãi khác.

Người phát ngôn của đảng Pheu Thai Anusorn Imasard khẳng định đảng này sẽ bỏ phiếu chống dự thảo hiến pháp trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới.

Trong khi đó, Chủ tịch CDC, ông Meechai Ruchupan bảo vệ dự thảo với lập luận rằng văn kiện này được soạn ra nhằm ngăn các chính trị gia tham nhũng tranh cử vào quốc hội.

Trước đó, ngày 2/2, tại cuộc họp nội các hàng tuần, Thủ tướng Prayut Chan-ocha một lần nữa khẳng định tiến trình tổng tuyển cử ở Thái Lan chắc chắn sẽ bắt đầu vào tháng 7/2017, đúng như đã nêu trong lộ trình chính trị quay lại nền dân chủ trong 25 tháng mà chính quyền quân sự đã đưa ra hồi năm ngoái.

Phát biểu của ông Prayut được đưa ra nhằm đáp lại những hoài nghi về khả năng cuộc tổng tuyển cử sẽ bị lùi đến năm 2018 do các vấn đề về quy trình lập pháp liên quan đến luật bầu cử và các đạo luật khác đang được soạn thảo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục