Chính phủ Thái: Người biểu tình đang vi phạm hiến pháp

Phó thủ tướng Thái Lan cho biết những yêu cầu của người biểu tình là không thể thực hiện được vì vi phạm hiến pháp.
Người biểu tình xông vào sở chỉ huy quân đội ở Bangkok. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 30/11, Phó Thủ tướng Thái Lan Pongthep Thepkanchana cho biết những yêu cầu của người biểu tình phản đối chính phủ về việc thành lập một hội đồng nhân dân, mở đường tiến tới hình thành chính phủ là vi phạm hiến pháp.

Phóng viên TTXVN tại Thái Lan dẫn phát biểu của Phó Thủ tướng Pongthep trên chương trình "Thủ tướng gặp gỡ nhân dân" hàng tuần khẳng định chừng nào Hiến pháp năm 2007 vẫn còn hiệu lực thì những yêu cầu của thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban sẽ không thể trở thành hiện thực.

Đạo luật cao nhất của Thái Lan không có điều khoản nào cho phép thành lập một hội đồng nhân dân, chính phủ nhân dân, thậm chí cả tòa án nhân dân như lời kêu gọi của cựu nghị sỹ đảng Dân chủ này.

Cũng theo ông Pongthep, việc biểu tình của người dân, đặc biệt là hành động chiếm đóng trụ sở cơ quan chính quyền, là hành vi phạm pháp. Bên cạnh đó, Phó Thủ thướng cảnh báo tòa án đã phê chuẩn lệnh bắt giữ các thủ lĩnh biểu tình.

Trước đó, tối 29/11, thủ lĩnh phe đối lập Suthep Thaugsuban đã bất ngờ đẩy mạnh các cuộc biểu tình chống chính phủ của mình khi tuyên bố những người biểu tình sẽ chiếm giữ trụ sở chính phủ và một số cơ quan nhà nước khác vào ngày 1/12, sau đó kêu gọi các doanh nghiệp nhà nước xuống đường biểu tình vào ngày 2/12.

Theo kế hoạch của ông Suthep, những người biểu tình sẽ tập trung từ sáng và sau đó chiếm các mục tiêu như Phủ Thủ tướng, Cơ quan cảnh sát quốc gia, Sở cảnh sát Bangkok, các Bộ Giáo dục, Lao động, Nội vụ, Thương mại và Ngoại giao, Cục quan hệ công chúng...

Ông Suthep cũng đề nghị thành lập cái gọi là Ủy ban nhân dân vì sự thay đổi của Thái Lan gồm 37 thành viên do ông làm Tổng Thư ký để thay thế chính quyền hiện nay. Các cuộc biểu tình chống chính phủ tại Thái Lan cho đến nay đã nhiều lần thay đổi mục tiêu và hiện hoàn toàn xa rời mục đích ban đầu là chống sửa đổi hiến pháp.

Trong một diễn biến mới nhất, Văn phòng Bộ Tư pháp Thái Lan đã chấp nhận xem xét việc kiến nghị lên Tòa án Hiến pháp về khả năng vi phạm điều 68 của Hiến pháp đối với hành vi phát động biểu tình của ông Suthep.

Điều 68 của Hiến pháp Thái Lan quy định cấm bất cứ cá nhân hay tổ chức nào muốn lật đổ chế độ và thực hiện các biện pháp vi hiến để giành quyền lực.

Đơn kiến nghị nêu rõ người biểu tình đang tìm cách lật đổ chính quyền hợp pháp bằng các biện pháp vi hiến, bao gồm chiếm trụ sở cơ quan chính quyền và thiết lập cái gọi là hội đồng nhân dân để giành chính quyền./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục