Chính phủ Tây Ban Nha khôi phục trật tự hiến định tại vùng Catalonia

Chính phủ Tây Ban Nha sẽ khôi phục trật tự hiến pháp tại vùng tự trị Catalonia sau khi cựu Chủ tịch Hội đồng lập pháp vùng này, bà Carme Forcadell chấp nhận áp dụng điều 155 của Hiến pháp Tây Ban Nha.
Cựu Chủ tịch Hội đồng lập pháp vùng Catalonia Carme Forcadell tới tòa án ở Madrid, Tây Ban Nha ngày 2/11. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chính phủ Tây Ban Nha sẽ khôi phục trật tự hiến pháp tại vùng tự trị Catalonia sau khi cựu Chủ tịch Hội đồng lập pháp vùng này, bà Carme Forcadell chấp nhận áp dụng điều 155 của Hiến pháp Tây Ban Nha.

Trong phiên tòa ngày 10/11, bà Forcadell đã chấp nhận thực thi điều 155 của Hiến pháp Tây Ban Nha tại vùng Catalonia, theo đó chính phủ trung ương sẽ kiểm soát toàn bộ các cơ quan chính của vùng này.

Phát biểu tại một cuộc họp nội các, người phát ngôn Chính phủ Tây Ban Nha Inigo Mendez de Vigo cho biết việc bà Forcadell đồng ý áp dụng điều 155 là bằng chứng cho thấy các biện pháp này đã phát huy tác dụng. Ông nhấn mạnh: "Việc khôi phục trật tự hiến pháp đang bắt đầu trở thành một thực tế" ở Catalonia.


[Tây Ban Nha: Chủ tịch Hội đồng lập pháp vùng Catalonia bị bắt]

Ông Mendez de Vigo cho biết thêm rằng tình trạng mất an ninh sau làn sóng ly khai có thể chấm dứt vào ngày 21/12 tới, khi các cuộc bầu cử địa phương diễn ra tại đây.

Theo thông tin mới nhất, bà Forcadell đã hợp tác trong quá trình trả lời các câu hỏi thẩm vấn tại tòa và đã từ bỏ con đường đơn phương tuyên bố độc lập. Bà đã được trả tự do sau khi nộp bảo lãnh 150.000 euro.

Trước đó, một thẩm phán Tòa án Tối cao tại Madrid đã phát lệnh bắt giữ bà Forcadell do vai trò của bà trong cuộc trưng cầu ý dân trái phép về nền độc lập của Catalonia hồi tháng trước. Nếu bị kết tội "nổi dậy," bà có thể phải lĩnh mức án 30 năm tù giam. Tuy nhiên, tòa đã chấp nhận tiền bảo lãnh và cho bà tại ngoại. Còn 4 nghị sỹ khác thuộc Hội đồng lập pháp bị phế truất sẽ phải nộp 25.000 euro trong vòng một tuần để không bị giam giữ. Tội danh cáo buộc cho những người này là nổi loạn, xúi giục nổi loạn và lạm dụng công quỹ.

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Tây Ban Nha đã bùng phát kể từ khi Catalonia tiến hành cuộc trưng cầu ý dân trái phép đòi độc lập ngày 1/10 vừa qua. Chính phủ của Thủ tướng Mariano Rajoy đã đình chỉ quy chế tự trị của vùng này, giải tán cơ quan lập pháp và chính quyền vùng, đồng thời tuyên bố tổ chức cuộc bầu cử địa phương mới vào ngày 21/12 tới.

Ngày 8/11 vừa qua, Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha cũng đã bác bỏ tuyên bố đơn phương đòi độc lập của Hội đồng lập pháp vùng Catalonia. Nhiều quan chức thuộc chính quyền bị phế truất đã bị bắt giữ và phải ra hầu tòa. Tuy nhiên, cựu Thủ hiến vùng Catalonia, ông Carles Puigdemont, và 4 cựu quan chức chính quyền cũ hiện đang ở Bỉ. Tây Ban Nha đã phát lệnh truy nã toàn châu Âu đối với những người này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục