Gắn kết và cùng hợp tác để phát triển lớn mạnh là thông điệp mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2016 (VBF2016) với chủ đề “Nâng cao vai trò khu vực kinh tế tư nhân: Tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vì sự phát triển hài hòa của kinh tế Việt Nam. Sự kiện do Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức ngày 5/12 tại Hà Nội.
Tại Diễn đàn VBF2016, Thủ tướng hoan nghênh chủ đề năm nay, vì thực tiễn 30 năm cải cách, đổi mới và mở cửa của Việt Nam đã chứng minh thuyết phục rằng, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, góp phần xây dựng vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu.
Việt Nam hiện đã có 600.000 doanh nghiệp đăng ký; trong đó, có nhiều công ty tư nhân, nhiều công ty cổ phần lớn trên thị trường trong nước và quốc tế như Vietnam Airlines, FPT, Vinamilk, TH True milk, Bitis, Hãng hàng không Viet Jet, Saigon Tourist... Năm 2016 là năm đầu tiên, Việt Nam có hơn 100 nghìn doanh nghiệp được đăng ký thành lập mới. Như vậy, bình quân 1 tiếng đồng hồ có 12 doanh nghiệp được thành lập mới, được ra đời.
Cũng tại diễn đàn, Thủ tướng nhấn mạnh tới vai trò và tầm quan trọng của lực lượng đông đảo gồm hơn 3,5 triệu hộ kinh doanh cá thể tư nhân trong nước, ảnh hưởng sâu sắc đến mục tiêu phát triển doanh nghiệp tới năm 2020.
Nhìn lại những đóng góp của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Thủ tướng cho rằng, Việt Nam đã có hơn 21.000 doanh nghiệp FDI đang hoạt động kinh doanh và đầu tư, với gần 300 tỷ USD; trong đó, có nhiều tập đoàn quốc tế danh tiếng. Đây là khu vực kinh tế có tiềm năng, tiềm lực kinh tế mạnh, phát triển tốt, chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế Việt Nam và đang có sự hợp tác tốt với các khu vực kinh tế trong nước bao gồm cả các doanh nghiệp tư nhân. Cho dù, đó mới chỉ là bước đầu.
Năm 2016, tuy còn có nhiều khó khăn biến động, song tổng mức đầu tư vào Việt Nam của khu vực này vẫn hơn 17 tỷ USD. Đây thực sự là điều rất thành công của Việt Nam. Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội Việt Nam giai đoạn 2016-2020, Chính phủ xác định tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp tư nhân, để làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế. Doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm cả doanh nghiệp FDI đã đăng ký cấp phép, có tư cách pháp nhân ở Việt Nam, cũng như các doanh nghiệp trong nước. Đây là định hướng lớn của Chính phủ về hình thành doanh nghiệp Việt Nam, gắn kết hợp tác hiệu quả trong nền kinh tế quốc gia thống nhất.
Điểm qua 7 nội dung quan trọng được đề cập tại Diễn đàn VBF2016 năm nay gồm tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ; nâng cao nguồn nhân lực và nhu cầu đào tạo; phát triển thị trường vốn; cải thiện cơ sở hạ tầng và cơ chế hợp tác đối tác công tư PPP hay BOT; năng lượng sạch và tái tạo; biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Thủ tướng cho rằng, Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, hệ thống pháp luật, các thủ tục hành chính tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo mọi điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, phấn đấu các chỉ số cơ bản của Việt Nam về môi trường đầu tư theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới và năng lực cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế thế giới đạt mức trung bình so với các nước ASEAN4 trước năm 2020.
Thủ tướng kêu gọi, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chủ động tích cực tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu kinh tế thông qua đa dạng hóa các hoạt động đầu tư, chú trọng tới hình thức hợp tác công tư PPP, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp; đổi mới sáng tạo, nâng cao khả năng cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, dịch vụ; chủ động tham gia đề xuất các sáng kiến, chính sách và dự án đầu tư hiệu quả phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; đồng thời tăng cường hợp tác cùng có lợi, cùng phát triển giữa khu vực kinh tế tư nhân trong nước và các doanh nghiệp FDI trong nền kinh tế quốc gia.
Khu vực FDI là một mắt xích không thể tách rời của kinh tế Việt Nam và thực tiễn cho thấy khu vực này có những đóng góp ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đánh giá cao những đóng góp này và cam kết sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa vì sự phát triển của các doanh nghiệp FDI nói riêng và toàn nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Thủ tướng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp FDI với thế mạnh về công nghệ, tài chính, thị trường và năng lực quản trị… sẽ có những cam kết và hành động cụ thể, thực chất nhằm hỗ trợ, tăng cường liên kết, thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước cùng phát triển trên cơ sở hài hòa lợi ích chung của các bên.
Chính phủ Việt Nam sẽ đặc biệt ưu tiên, khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam; để các doanh nghiệp Việt Nam nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa có khả năng tiếp cận, tham gia cung ứng nhiều linh kiện, phụ tùng đạt yêu cầu của các doanh nghiệp FDI. Các bên cùng nhau hợp tác, chế biến, đưa hàng Việt Nam vào chuỗi phân phối trong khu vực và trên thế giới.
Song song với việc nỗ lực kiến tạo môi trường đầu tư thuận lợi, bảo vệ và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và cùng chung tay hành động với các doanh nghiệp, Chính phủ mong muốn các doanh nghiệp FDI kiên trì hợp tác đầu tư, đặt niềm tin vào những cải cách của Việt Nam, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm quản trị, có trách nhiệm với xã hội và chung tay của Việt Nam bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, duy trì tính bền vững và sự trong lành của môi trường sống.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam sẽ không đón chào những nhà đầu tư coi Việt Nam là nơi chuyển giá, là nơi trốn trách nhiệm với môi trường, đi ngược lại những nguyên tắc cơ bản và giá trị cốt lõi mà các nhà đầu tư đã cam kết. Bởi điều đó không chỉ gây phương hại tới lợi ích, sự phát triển bền vững của Việt Nam mà còn tổn hại tới uy tín của sự mẫu mực trong kinh doanh của nhiều nhà đầu tư khác đang có mặt tại Việt Nam và làm giảm tính hấp dẫn trong việc thu hút các nhà đầu tư tiềm năng, danh tiếng của thế giới đến với Việt Nam trong tương lai.
Bên cạnh việc đánh giá cao vai trò của các nhà đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam muốn phát triển vững mạnh sẽ không thể không có một nền kinh tế tư nhân trong nước tăng trưởng, lớn mạnh. Vì thế, sẽ khuyến khích, tạo mọi điều kiện phát triển kinh tế của người dân phấn đấu đạt mục tiêu cả nước có trên 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020; trong đó, có nhiều doanh nghiệp trưởng thành và lớn mạnh, phát triển vươn lên tầm khu vực và quốc tế.
Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là mọi doanh nghiệp dù là kinh tế tư nhân hay doanh nghiệp FDI đều bình đẳng trước pháp luật, khuyến khích tinh thần hợp tác, liên kết chuỗi giá trị và cạnh tranh lành mạnh.
Việt Nam hiện nay có cơ cấu dân số ở độ tuổi vàng. Đây là lợi thế chiến lược hàng đầu của quốc gia. Do vậy, Chính phủ mong muốn cộng đồng doanh nghiệp phát huy giá trị sáng tạo trong cạnh tranh phát triển, nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp, chất lượng đội ngũ nhân lực, năng suất lao động của nền kinh tế, qua đó, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia.
Cuối cùng, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành tiếp thu, nghiên cứu những đề xuất, kiến nghị phù hợp của diễn đàn hôm nay để sửa đổi, bổ sung những văn bản pháp luật có liên quan. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ được giao làm đầu mối, có kế hoạch triển khai những nội dung trong nhóm vấn đề đã thảo luận. Trước mắt là sửa thể chế, chấn chỉnh một số vấn đề còn bất cập, tồn tại, kéo dài. Tinh thần luật pháp phải được sửa phù hợp với thông lệ quốc tế, và tính thị trường.
Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các bộ trưởng phải làm nhiều việc để có một môi trường đầu tư tốt cho kinh tế tư nhân cũng như FDI, nỗ lực hành động để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có thể gắn kết, cùng nhau hợp tác lớn mạnh trên sân nhà, trong một nền kinh tế quốc gia Việt Nam và vươn ra toàn cầu./.