Chính phủ Syria nhận lô vaccine đầu từ chương trình COVAX

Ngày 22/4, Chính phủ Syria đã nhận được lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên với gần 200.000 liều vaccine do AstraZeneca sản xuất. Số hàng viện trợ tiếp theo sẽ được chuyển đến trong những tuần tới.
Vận chuyển lô vaccine đầu tiên từ chương trình COVAX tại cửa khẩu Bab al-Hawa ở biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 21/4/2021.( Ảnh: AFP/ TTXVN)

Ngày 22/4, Liên hợp quốc cho biết Chính phủ Syria đã nhận được lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên từ chương trình COVAX - do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khởi xướng, với gần 200.000 liều vaccine do AstraZeneca sản xuất.

Tuyên bố chung của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Tổ chức Y tế thế giới và Liên minh vaccine GAVI khẳng định việc chuyển giao số vaccine là rất quan trọng và kịp thời, giúp các nhân viên y tế tiếp tục cứu người trong bối cảnh hệ thống y tế Syria đang suy yếu do xung đột kéo dài. Số hàng viện trợ tiếp theo sẽ được chuyển đến trong những tuần tới và tháng tới.

Người đứng đầu phái bộ của Tổ chức Y tế thế giới tại Syria Akjemal Magtymova nhấn mạnh dù vẫn còn nhiều thách thức, song Chính phủ Syria vẫn đảm bảo tiến độ tiêm phòng trên cả nước.

Tháng trước, Syria đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng với mục tiêu có thể tiêm phòng cho gần 20% dân số cả nước vào cuối năm nay, tương đương gần 5 triệu người tại các khu vực do chính phủ kiểm soát, vùng Đông Bắc và Tây Bắc nước này. Chính phủ sẽ triển khai nhiều nhóm y tế đến các bệnh viện và các khu vực khó tiếp cận.

Năm ngoái, Syria đã chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19 với số ca nhiễm tăng mạnh vào tháng 8 và tháng 12. Theo thống kê của Liên hợp quốc, Syria đến nay ghi nhận tổng cộng 51.580 ca mắc COVID-19, song con số thực tế có thể cao hơn do nguồn cung xét nghiệm hạn chế.

Trong khi đó, hãng dược phẩm Pfizer cho biết đang thảo luận với Ấn Độ và cam kết cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho quốc gia này. Công ty khẳng định đã đưa ra mức giá phi lợi nhuận đối với vaccine cung cấp cho chương trình tiêm phòng quốc gia của Ấn Độ.

[EU chuẩn bị khởi kiện AstraZeneca vì chậm thực hiện hợp đồng]

Ấn Độ khởi động chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 vào giữa tháng 1 vừa qua với 2 loại vaccine Covishield do Oxford-AstraZeneca phát triển và Covaxin của Bharat Biotech (Ấn Độ).

Với việc nhiều bang đang đối mặt với tình trạng thiếu vaccine, Chính phủ Ấn Độ đã cho phép nhập khẩu vaccine Sputnik V của Nga và đồng ý đẩy nhanh việc phê duyệt các vaccine phòng COVID-19 để tăng tốc độ tiêm chủng trong nước.

Cùng ngày, Thủ hiến bang Saxony của Đức, Michael Kretschmer cho biết Đức muốn mua tổng cộng 30 triệu liều vaccine Sputnik V của Nga vào các tháng 6, 7 và tháng 8 tới chứng nào Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cấp phép sử dụng sản phẩm này.

Đầu tháng này, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn xác nhận nước này đang đàm phán với Nga về thỏa thuận đặt mua trước vaccine Sputnik V.

Vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 của Nga là loại vaccine phổ biến thứ hai trên thế giới được các cơ quan quản lý dược phẩm quốc gia các nước phê duyệt sử dụng.

Thông tin này đã được công bố trên trang Twitter chính thức của Sputnik V. Đây là vaccine được phát triển dựa trên công nghệ vector adenovirus, là một trong những loại vector được sử dụng nhiều nhất trong công nghệ gene.

Vaccine này được đăng ký tại Nga từ tháng 8/2020 trước khi được đưa vào thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn. Mức độ an toàn và hiệu quả của vaccine lên tới 90% đã được tạp chí y dược hàng đầu The Lancet công nhận và đăng tải./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục