Chính phủ Sudan và các nhóm vũ trang ký thỏa thuận hòa bình cuối cùng

Chính phủ Sudan và 9 phong trào vũ trang thuộc Liên minh Mặt trận Cách mạng cũng đã ký một thoả thuận hoà bình toàn diện ở Juba để chấm dứt xung đột vũ trang.
Chính phủ Sudan và các nhóm vũ trang ký thỏa thuận hòa bình cuối cùng ảnh 1Chủ tịch Hội đồng Tối cao Sudan Abdel Fattah Al-Burhan, Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir, Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok cầm thỏa thuận hòa bình giữa chính phủ Sudan và các nhóm vũ trang. (Nguồn: Reuters)

Ngày 3/10, Chính phủ Sudan và các nhóm vũ trang đã ký thỏa thuận hòa bình cuối cùng tại thủ đô Juba của nước láng giềng Nam Sudan, qua đó giúp chấm dứt các cuộc xung đột vũ trang kéo dài hàng thập kỷ vốn cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người ở quốc gia Đông Bắc Phi này.

Thỏa thuận do Phó Chủ tịch Hội đồng Tối cao Sudan Mohamed Hamdan Daqlu ký kết với thủ lĩnh các nhóm vũ trang thuộc Liên minh Mặt trận Cách mạng.

Lễ ký diễn ra dưới sự chứng kiến của Tổng thống nước chủ nhà Salva Kiir, Chủ tịch Hội đồng Tối cao Sudan Abdel Fattah Al-Burhan, Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok, đại diện từ các nước Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Chad, Ai Cập, cùng đại diện một số tổ chức khu vực và quốc tế như Liên hợp quốc, Liên minh châu Phi (AU), Liên đoàn Arab và Liên minh châu Âu (EU).

[Chính phủ Sudan và phiến quân ấn định thời điểm ký thỏa thuận hòa bình]

Trước đó, trong ngày 31/8, Chính phủ Sudan và 9 phong trào vũ trang thuộc Liên minh Mặt trận Cách mạng cũng đã ký một thoả thuận hoà bình toàn diện ở Juba để chấm dứt xung đột vũ trang.

Thoả thuận này đề cập đến các vấn đề về an ninh, quyền sở hữu đất đai, chuyển đổi tư pháp, chia sẻ quyền lực và hồi hương người tị nạn do chiến tranh. Bên cạnh đó, thoả thuận cũng đề cập đến việc hợp nhất lực lượng phiến quân vào quân đội quốc gia.

Kể từ khi cựu Tổng thống Omar al-Bashir bị phế truất vào năm ngoái, chính phủ chuyển tiếp tại Sudan luôn coi việc chấm dứt xung đột là ưu tiên hàng đầu và đã đạt được những bước tiến thực sự trong tiến trình này nhờ những nỗ lực trung gian hòa giải tích cực của quốc gia láng giềng Nam Sudan./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục