Các chuyên gia nhận định với việc cải tổ nội các rộng rãi, Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdel-Aziz và Hoàng thái tử Mohammed ben Salman Al Saoud đã bắt đầu khởi động kế hoạch cải cách để nền kinh tế nước này ít phụ thuộc hơn vào dầu mỏ.
Ngày 7/5 vừa qua, Quốc vương Salman đã ban hành một loạt sắc lệnh sáp nhập nhiều Bộ, thể hiện các ưu tiên của chương trình cải tổ lớn mang tên "Tầm nhìn 2030" mà Hoàng thái tử Al Saoud đã công bố ngày 25/4.
Việc cải tổ mạnh mẽ chính phủ được chuyên gia đánh giá là rất nghiêm túc và kế hoạch này đang đi đúng hướng. Từ lâu nay, quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới này đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đa dạng hóa nền kinh tế nhằm đưa đất nước thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ.
Việc giá dầu lao dốc trong 2 năm qua khiến Saudi Arabia phải đẩy nhanh nỗ lực này.
Nội dung cốt lõi của "Tầm nhìn 2030" là việc chính phủ Saudi Arabia sẽ bán gần 5% cổ phần của tập đoàn dầu mỏ quốc gia Aramco nhằm thay thế doanh thu từ dầu mỏ.
Kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Aramco dự kiến sẽ thu về 2.000 tỷ USD. Một phần số tiền này sẽ được dùng để lập một quỹ đầu tư nhà nước lớn nhất thế giới. Các chuyên gia cho rằng vai trò của Aramco là rất quan trọng, đồng thời nhấn mạnh không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Aramco Khaled al-Faleh (Kha-lít An Pha-li) đã được chọn để thay ông Ali al-Nalitsi làm lãnh đạo siêu Bộ Năng lượng, Công nghiệp và Tài nguyên khoáng sản.
Ông Khaled al-Faleh hiện là Chủ tịch tập đoàn mỏ Ma'aden.
Theo một nguồn tin ngoại giao châu Âu, việc mở rộng các lĩnh vực của Bộ này phản ánh mong muốn của Chính phủ Saudi Arabia là phát triển các nguồn năng lượng khác ngoài dầu mỏ, hiện chiếm tới 70% thu nhập của quốc gia vùng Vịnh này.
Saudi Arabia có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Nước này cũng muốn thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp như hóa dầu, quân sự và mỏ.
Trong số những thay đổi khác được công bố, Bộ Điện và Nước bị chia tách. Theo đó, Bộ Nông nghiệp, Nước và Môi trường mới được thành lập sẽ phụ trách lĩnh vực nước trong khi Bộ Năng lượng chịu trách nhiệm quản lý điện.
Nguồn tin ngoại giao trên cho rằng Riyadh chủ trương phát triển nông nghiệp ở nước ngoài khi mà ngày càng có nhiều người dân đất nước sa mạc này mua đất ở các quốc gia khác, nhất là tại Đông Phi.
Một sự sáp nhập khác liên quan đến Bộ Lao động và Các vấn đề xã hội. Trước thực trạng phải sử dụng hàng triệu lao động nước ngoài, Saudi Arabia đang tìm cách cải thiện năng lực và tạo việc làm mới cho công dân nước này khi có tới 35% dân số ở độ tuổi dưới 19.
Bộ Công Thương cũng được đổi tên thành Bộ Thương mại và Đầu tư, trong bối cảnh Riyadh đang tìm cách thu hút nhiều hơn nữa đầu tư nước ngoài.
Các chuyên gia khẳng định kế hoạch cải cách của Saudi Arabia rất triển vọng, nhưng lộ trình thực hiện cần phải được cụ thể hơn. Thách thức lớn nhất của Saudi Arabia là tệ quan liêu và tình trạng thiếu các cơ sở đào tạo lực lượng lao động để thay thế người lao động nước ngoài có trình độ./.