Theo Cơ quan Phát triển liên Chính phủ Đông Phi (IGAD), các cuộc đàm phán trong ngày 7/1 nhằm chấm dứt tình trạng xung đột kéo dài ba tuần tại Nam Sudan, được tổ chức ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia.
Các cuộc đàm phán dự kiến tập trung vào việc chấm dứt hành động thù địch cũng như tình trạng của những người bị bắt giữ ở Nam Sudan.
Trong tuyên bố ra tối 6/1, IGAD cho biết các đại diện của chính phủ Nam Sudan và quân nổi dậy đều đã chấp thuận phương thức đối thoại, điều lệ thủ tục, cơ cấu, cũng như điều kiện tham vấn nhằm định hướng cho cuộc đàm phán.
Đồng thời, hai bên đều ý thức được tình trạng nghiêm trọng, sự cần thiết cũng như tính khẩn cấp của việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Nam Sudan.
Các bên trung gian và trưởng đại diện IGAD Mahboub Maalim đã bày tỏ lạc quan và tin tưởng rằng các phái đoàn sẽ giải quyết được những vấn đề trọng tâm của chương trình nghị sự.
Các cuộc đàm phán trực tiếp giữa các bên đã diễn ra ngày 6/1 dưới sự điều hành trung gian của các đặc phái viên, gồm Đại sứ Seyoum Mesfin, Tướng Lazaro Sumbeiywo và Tướng Mohamed Ahmed Mustafa Eldabi.
Liên hợp quốc đã cảnh báo nguồn nhu yếu phẩm để cứu trợ hàng nghìn người đang tìm cách lánh nạn trong căn cứ của tổ chức này tại thành phố Bor, Nam Sudan, đang cạn dần trong bối cảnh xung đột tại quốc gia non trẻ nhất thế giới này vẫn diễn ra căng thẳng.
Theo phát ngôn viên Liên hợp quốc, ngày 6/1, 3 máy bay trực thăng chở nhân sự và thiết bị đã được triển khai tới thủ đô Juba của Nam Sudan, để củng cố an ninh cho các căn cứ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở nước này.
Nỗ lực này là một phần trong kế hoạch được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chấp thuận, nhằm tăng gấp đôi lực lượng vũ trang lên gần 14.000 người để bảo vệ dân thường chịu tác động từ cuộc xung đột giữa lực lượng ủng hộ và chống chính phủ.
Ngoài ra, đã có những dấu hiệu huy động quân đội từ cả hai phe trong cuối tuần qua. Tình hình tại các thành phố như Bor, thủ phủ bang Jonglei vẫn căng thẳng sau những ngày giao tranh ác liệt ở phía Nam của thành phố.
Phái bộ Liên hợp quốc tại Nam Sudan vẫn tiếp tục bảo vệ khoảng 9000 dân thường tại căn cứ Bor.
Nam Sudan đã chìm trong bạo loạn từ ngày 15/12 khi Tổng thống Salva Kiir cáo buộc cựu Phó Tổng thống Riek Machar âm mưu đảo chính, gây bạo lực đẫm máu.
Theo số liệu của Liên hợp quốc, các cuộc đụng độ đã làm hàng nghìn người thiệt mạng, gần 200.000 người phải đi lánh nạn và tạm trú trong nhiều tòa nhà của Liên hợp quốc trên cả nước./.