Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, ngày 6/6 tại một cuộc họp báo tổ chức tại Điện Matignon (Phủ Thủ tướng), Thủ tướng Pháp Edouard Philippe và Bộ trưởng Bộ Lao động, bà Muriel Pénicaud đã công bố lộ trình tiến hành các cuộc cải cách đầy tham vọng theo đó Chính phủ dự định tiến hành 6 cuộc cải cách trong thời gian 18 tháng nhằm đổi mới mô hình xã hội Pháp.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Thủ tướng Pháp E. Philippe nhấn mạnh việc đổi mới mô hình xã hội Pháp là việc làm "cần thiết và cấp bách."
Ông Philippe cho biết một dự luật cho phép Chính phủ thông qua việc cải cách bộ luật lao động bằng các sắc lệnh hành pháp sẽ được thảo luận tại phiên họp ngày 28/6 của Hội đồng Bộ trưởng. Quốc hội mới của Pháp ra mắt vào tháng 7 tới sẽ phê chuẩn dự luật này. Bộ luật lao động sẽ được thông qua vào cuối mùa Hè và công bố trước ngày 21/9.
Trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống Macron đã cam kết tiến hành cải cách bộ luật lao động bằng các sắc lệnh nhằm "cởi trói" cho thị trường lao động. Ông coi đây là chìa khóa để giải quyết bài toán thất nghiệp.
[Nước cờ táo bạo của tân Tổng thống Pháp với nội các chưa từng có]
Tại cuộc họp báo, Thủ tướng Philippe cho biết, bộ luật lao động mới sẽ tập trung vào 3 nội dung chính: đảm bảo sự hài hòa giữa các "thỏa thuận ở phạm vi doanh nghiệp và thỏa thuận ở phạm vi ngành nghề," "đơn giản hóa và tăng cường đối thoại kinh tế và xã hội giữa chủ doanh nghiệp và người lao động," "đảm bảo mối quan hệ trong công việc" giữa các tác nhân nói trên.
Ngoài ra, các toà án về lao động sẽ đặt ra mức trần bồi thường đối với các chủ lao động trong trường hợp họ sa thải người lao động mà không có lý do chính đáng.
Thực ra, một bộ luật lao động với những quy định cơ bản được áp dụng trên toàn quốc đã tồn tại từ lâu tại Pháp. Bên cạnh đó còn có những thỏa thuận riêng cho từng ngành nghề và các thỏa thuận bên trong từng công ty giữa chủ lao động và người làm công.
Chính phủ của Tổng thống Macron muốn đảo lộn trật tự này theo hướng sẽ ưu tiên thỏa thuận nội bộ của từng doanh nghiệp. Lý do là vì các doanh nghiệp có quy mô và đặc thù ngành nghề khác nhau. Bên cạnh đó, mong muốn cụ thể của từng người lao động cũng khác nhau.
Phát biểu tại buổi họp báo, Thủ tướng E. Philippe cho biết Chính phủ quyết tâm tiến hành cải cách bộ luật nói trên mặc dù có ý kiến cho rằng việc làm này dẫn dến một cuộc chiến dưới góc độ xã hội.
Theo ông, cuộc chiến duy nhất mà chính phủ tiến hành đó là cuộc chiến chống thất nghiệp hàng loạt, đặc biệt trong giới trẻ, và cuộc chiến chống lại việc giảm sức mua. Ông cũng cho biết, trước khi tiến hành cuộc họp báo, Chính phủ đã thông báo lộ trình tiến hành các cải cách tới đại diện các đối tác xã hội gồm các tổ chức công đoàn và giới chủ Pháp.
Về phần mình, phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Lao động Muriel Pénicaud cho rằng mục tiêu của việc cải cách là nhằm giải phóng năng lượng của các doanh nghiệp và người lao động đồng thời làm thích ứng quyền lợi của người lao động với nguyện vọng và nhu cầu của họ.
Ngoài việc tiến hành cải cách bộ luật lao động, từ tháng 9 tới, Chính phủ sẽ "tấn công" sang một hồ sơ gai góc khác là cải cách hệ thống bảo hiểm thất nghiệp. Chính phủ sẽ cần một khoảng thời gian để thảo luận, tham vấn trước khi công bố dự luật vào đầu năm 2018.
Song song với cải cách trên, Chính phủ cũng sẽ xây dựng lại nền tảng cho quá trình đào tạo và học nghề. Cuối cùng, việc đổi mới hệ thống lương hưu sẽ được bắt đầu vào năm 2018, với mục đích làm cho hệ thống này trở nên "minh bạch và công bằng hơn"./.