Chính phủ Pháp ban hành dự luật lao động mà không qua Quốc hội

Chính phủ Pháp đã quyết định dùng một sắc lệnh để ban hành các điều khoản sửa đổi luật lao động gây tranh cãi ở nước này mà không cần Quốc hội bổ phiếu thông qua.
Chính phủ Pháp ban hành dự luật lao động mà không qua Quốc hội ảnh 1Tổng thống Francois Hollande. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chính phủ Pháp ngày 10/5 đã quyết định dùng một sắc lệnh để ban hành các điều khoản sửa đổi luật lao động gây tranh cãi ở nước này mà không cần Quốc hội bổ phiếu thông qua nhằm tránh sự phản đối nhằm vào một trong những cải cách quan trọng nhất của Tổng thống Francois Hollande trong thời gian cầm quyền.

Như vậy, Tổng thống Pháp sẽ có thể ký ban hành dự luật này mà không phải chờ Quốc hội thông qua.

Quyết định trên, do Thủ tướng Manuel Valls công bố sau cuộc họp bất thường cùng ngày của chính phủ, được đưa ra sau nhiều tuần xảy ra các cuộc biểu tình trên đường phố và sự phản đối từ các nghị sĩ thuộc đảng Xã hội cầm quyền liên quan tới dự luật cải cách lao động cho phép thuê hoặc sa thải lao động dễ dàng hơn tại quốc hội.

Trước khả năng dự luật không được Quốc hội thông qua, Chính phủ Pháp đã vận dụng điều 49.3 của Hiến pháp cho phép ban hành quy định bằng một đạo luật và "bỏ qua" quốc hội. Trước đây, điều khoản này từng một lần được sử dụng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Hollande để ban hành một dự luật cải cách kinh tế gây tranh cãi.

Tuy nhiên, trong trường hợp dùng điều khoản 49.3 để ban hành một dự luật, Chính phủ Pháp có nguy cơ đối mặt với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội.

Dự luật cải cách lao động trên được Chính phủ Pháp đưa ra hồi tháng Hai nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức trên 10% của quốc gia này.

Tổng thống Hollande, người từng tuyên bố chỉ có thể xem xét tham gia tái tranh cử vào năm tới nếu ông giải quyết được tỷ lệ thất nghiệp, hy vọng rằng dự luật cải cách lao động này sẽ khuyến khích các công ty tuyển nhân công.

Những người phản đối cho rằng dự luật mới này quá ưu ái giới chủ và điều đó gây phản ứng mạnh mẽ trong nội bộ đảng Xã hội, trong các tổ chức công đoàn và làm gia tăng căng thẳng tại quốc gia vốn đã quen với chế độ an sinh việc làm ở mức cao như Pháp.

Làn sóng biểu tình tại Pháp nhằm phản đối dự luật trên bắt đầu từ ngày 9/3, trong đó đỉnh điểm là cuộc biểu tình ngày 31/3 khi 390.000 người đổ ra đường phố, dẫn tới nhiều cuộc đụng độ bạo lực. Những người tham gia biểu tình và đình công tại Pháp yêu cầu chính phủ rút lại dự luật cải cách lao động.

Mặc dù Thủ tướng Manuel Valls công bố một số điểm nhượng bộ trong dự luật lao động sau cuộc biểu tình lớn trên toàn quốc, song bất chấp sự nhượng bộ này của chính phủ, hai tổ chức nghiệp đoàn lớn tại Pháp là Force Ouvrière (FO-Lực lượng công nhân) và Hội Liên hiệp sinh viên Pháp (UNEF) vẫn kêu gọi rút lại dự luật lao động do dự luật sửa đổi vẫn giữ lại một số điểm, theo đó tạo sự linh hoạt hơn cho giới chủ trong việc sa thải người lao động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục