Chính phủ Nigeria lần đầu tiên phát hành "trái phiếu xanh"

Để bù đắp nhu cầu tài chính lớn, Nigeria hy vọng thu về 60 triệu euro từ phát hành "trái phiếu xanh" tại châu Âu để hỗ trợ các dự án thân thiện môi trường.
Chính phủ Nigeria lần đầu tiên phát hành "trái phiếu xanh" ảnh 1(Nguồn: BBC)

Để bù đắp nhu cầu tài chính lớn, Nigeria hy vọng thu về 60 triệu euro từ phát hành "trái phiếu xanh" tại châu Âu.

Đây là loại trái phiếu Nhà nước dùng để hỗ trợ tài chính cho các dự án thân thiện môi trường, nhất là cho các dự án hạ tầng. Đây là một hành động chưa từng có đối với nền kinh tế hàng đầu châu Phi song đã chính thức bước vào giai đoạn suy thoái.

Dự kiến số tiền thu được sẽ được dùng để đầu tư vào vận tải công cộng chạy điện và tái sinh rừng tại các vùng đất khô cằn phía Bắc Nigeria. Bộ trưởng Môi trường Nigeria Amina J. Mohammed cho biết việc phát hành trái phiếu xanh đầu tiên vào quý 1/2017.

Do giá dầu thế giới giảm, Nigeria cần thu về 6.000 tỷ nairas, tương đương với ngân sách hàng năm của nước này, để đầu tư vào hạ tầng.

Chính phủ đã tăng ngân sách thêm 20% năm 2016 để đầu tư vào xây dựng cầu, đường và kích thích tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh nước này đã rơi vào suy thoái khi GDP quý I/2016 giảm 0,36% và trong quý II tiếp tục giảm 2,06%, tiếp tục chìm sâu vào khủng hoảng kinh tế với GDP sụt giảm sâu tới 2,24% vào quý III vừa qua.

Tháng 9, Pháp đã công bố ý định phát hành "trái phiếu xanh" trong năm 2017 theo ý muốn của Tổng thống François Hollande để trở thành nước đầu tiên trên thế giới thực hiện việc này.

Tuy nhiên, tại châu Phi, các doanh nghiệp Maroc đã nhiều lần phát hành "trái phiếu xanh". Mới đây, Cơ quan Năng lượng Mặt trời Maroc (Masen) đã phát hành "trái phiếu xanh" đầu tiên, có giá trị là 1,15 tỷ dirham (118 triệu USD) nhằm giúp tài trợ cho 3 đề án vốn là một phần dự án phát triển năng lượng mặt trời Noor PV 1.

Thông báo của Masen đã được đưa ra vào ngày đầu tiên của cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc tại Maroc, với mục đích tìm ra được các quy tắc và điều khoản của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Hiện Maroc hướng tới mục tiêu đạt được 52% lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2030./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục