Chính phủ Nhật vẫn coi điện hạt nhân là nguồn điện năng rẻ nhất

Một nhóm các chuyên gia hạt nhân ngày 11/5 đã nhất trí báo cáo của chính phủ khẳng định điện hạt nhân vẫn là nguồn điện năng rẻ nhất.
Ảnh minh họa. (Nguồn: abcnews.go.com)

Một nhóm các chuyên gia hạt nhân ngày 11/5 đã nhất trí báo cáo của chính phủ khẳng định điện hạt nhân vẫn là nguồn điện năng rẻ nhất bất chấp chi phí cho công tác đảm bảo an toàn gia tăng kể từ sau sự cố nóng chảy nhiên liệu nghiêm trọng tại Nhà máy điện Fukushima 1 hồi năm 2011.

Chính phủ Nhật Bản đang phấn đấu giới hạn phần đóng góp của điện hạt nhân trên tổng nguồn cung điện năng của nước này ở mức 20-22% vào năm 2030, cho thấy chính sách tiếp tục sử dụng điện hạt nhân mặc dù đa số công chúng vẫn phản đối việc tái khởi động các nhà máy điện.

Theo ước tính mới nhất về chi phí sản xuất điện của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI), năng lượng hạt nhân sẽ tốn ít nhất 10,3 yen/kWh đến năm 2030, rẻ hơn so với các nguồn năng lượng khác như hóa thạch, khí đốt tự nhiên, phong điện và quang năng.

Con số trên tăng lên so với mức 8,9 yen năm 2011, căn cứ vào tính toán về chi phí dỡ bỏ nhà máy và tiền bồi thường sau sự cố nghiêm trọng lên tới 9.100 tỷ yen so với mức 5.800 tỷ yen ước tính năm 2011. METI cũng cho biết các biện pháp an toàn cần có để điều hành một lò phản ứng sẽ ngốn khoảng 60,1 tỷ yen.

Tuy nhiên, sự gia tăng về chi phí tổng thể sẽ được giới hạn trong bối cảnh khả năng xảy ra sự cố hạt nhân giảm xuống sau khi các công ty điện lực thực hiện các biện pháp an toàn nâng cao.

Trong báo cáo trên, METI cũng ước tính nhiệt điện sử dụng than đá sẽ tiêu tốn 12,9 yen và khí tự nhiên hóa lỏng 13,4 yen, so với tính toán trước đó lần lượt là 10,3 yen và 10,9 yen. Phong điện sẽ tiêu tốn tới 34,7 yen trong khi năng lượng Mặt Trời đòi hỏi 16,4 yen, điện địa nhiệt là 16,8 yen và thủy điện là 27,1 yen.

Trong chính sách năng lượng quốc gia được thông qua hồi năm 2014, Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe cam kết sẽ giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân và thúc đẩy năng lượng tái sinh nhiều nhất có thể.

Tuy nhiên, cùng lúc đó, ông Abe đã coi điện hạt nhân là nguồn năng lượng then chốt do tầm quan trọng của nguồn cung điện năng ổn định cho tăng trưởng kinh tế.

Hiện tại, tất cả các lò phản ứng hạt nhân thương mại của Nhật Bản vẫn đang ngừng hoạt động chờ trải qua quá trình giám sát tính an toàn của Cơ quan pháp quy hạt nhân trên cơ sở các quy định nghiêm ngặt hơn. Chính phủ nước này dự kiến sẽ tái khởi động các lò phản ứng đã đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn hậu Fukushima 1./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục