Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và các quan chức chính phủ đã gây thêm sức ép yêu cầu các doanh nghiệp nước này tăng lương để duy trì đà tăng trưởng bền vững trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này đang nỗ lực thoát khỏi tình trạng suy thoái bắt nguồn từ đợt tăng thuế tiêu dùng hồi năm 2014.
Tăng lương là nhân tố chủ chốt của mục tiêu chiến lược mà Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực đạt được nhằm tạo ra một chu kỳ lợi nhuận doanh nghiệp, lương, tiêu dùng và đầu tư ở mức độ cao hơn nhằm chấn hưng nền kinh tế trong nước, chấm dứt giai đoạn tăng trưởng ì ạch và giảm phát kéo dài hai thập niên qua.
Trong bài diễn văn trước Quốc hội Nhật Bản, ông Abe tỏ ý quyết tâm yêu cầu các doanh nghiệp nước này sử dụng nguồn lợi nhuận đã được cải thiện để tăng lương cho người lao động tại các cuộc thảo luận về chế độ làm việc và lương bổng giữa giới chủ và người lao động vào mùa Xuân.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Taro Aso và Bộ trưởng Kinh tế Akira Amari cũng nhất trí hối thúc doanh nghiệp tăng lương để tạo ra một chu kỳ tăng trưởng tốt hơn.
Ông Amari cho biết dự đoán Ngân hàng trung ương Nhật Bản sẽ đạt mục tiêu lạm phát 2% trong khi tính tới tình hình biến động kinh tế và giá cả.
Trong một tín hiệu cho thấy các chính sách kích cầu của Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu có hiệu lực, một cuộc thăm dò ý kiến do hãng tin Reuters thực hiện tháng trước cho thấy 42% số doanh nghiệp có kế hoạch tăng lương. Trong khi đó, 44% số doanh nghiệp chưa đưa ra quyết định về vấn đề này.
Năm 2014, lợi nhuận (bằng tiền mặt) trung bình hàng tháng của doanh nghiệp Nhật Bản tăng 0,8%, lần tăng đầu tiên trong 4 năm qua và là lần tăng nhanh nhất trong 17 năm.
Tuy vậy, trong bối cảnh giá cả tăng cao hơn mức tăng lương từ sau lần tăng thuế tiêu dùng hồi tháng 4/2014, mức lương thực tế giảm 2,5%, năm giảm thứ ba liên tiếp, qua đó tác động tiêu cực tới sức mua của các hộ gia đình Nhật Bản./.