Một ngày sau khi cơ quan xếp hạng tín nhiệm là Standard & Poor's (S&P) hạ bậc xếp hạng của Nga, chính phủ nước này đã thông qua kế hoạch chống khủng hoảng, trong đó dự kiến sẽ đạt thặng dư ngân sách trở lại vào năm 2017.
Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov ngày 27/1 thông báo Chính phủ Nga đã thông qua kế hoạch chống khủng hoảng, theo đó sẽ "đóng băng" mức chi tiêu của chính phủ và đưa ngân sách trở lại thặng dư vào năm 2017, và chuẩn bị cho các cải cách cơ cấu, nhờ đó không sử dụng một cách thiếu thận trọng nguồn dự trữ quốc gia.
Ông cũng cho rằng đánh giá của S&P là quá bi quan và quyết định hạ bậc tín nhiệm được đưa ra có thể đã không tính đến kế hoạch chống khủng hoảng của Chính phủ Nga.
Kinh tế Nga cùng lúc chịu tác động từ cả việc giá dầu giảm và các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Kinh tế nước này được dự báo giảm 4-5% trong năm nay, sẽ là lần sụt giảm đầu tiên kể từ năm 2000.
Dòng vốn bị rút khỏi Nga đã tăng vọt từ mức trung bình 57 tỷ USD/năm trong suốt những năm 2009 đến 2013, lên 152 tỷ USD vào năm 2014. Trong khi đó, dự trữ ngoại tệ quốc gia đã giảm xuống dưới 400 tỷ USD lần đầu tiên kể từ tháng 8/2009.
Ngày 26/1, S&P đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Nga xuống mức BB+ (mức không nên đầu tư) lần đầu tiên kể từ năm 2014, khi đồng ruble mất giá và nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ không được như trước.
Cơ quan này nhận thấy hệ thống tài chính của Nga đang yếu đi, bó buộc khả năng hành động của Ngân hàng trung ương nước này.
Theo ngân hàng đầu tư Sberbank CIB có trụ sở tại Moskva, phản ứng dài hạn của thị trường đối với việc Nga bị hạ bậc tín nhiệm phụ thuộc vào việc hai cơ quan xếp hạng khác là Fitch Ratings và Moody's có quyết định tương tự hay không và nếu có thì là khi nào, bởi nhiều quỹ đầu tư toàn cầu sẽ không nắm giữ loại trái phiếu mà hai trong ba cơ quan này xếp ở dạng không nên đầu tư./.