Chính phủ Mỹ vẫn giữ nguyên quan điểm về gói cứu trợ ngành hàng không

Thứ trưởng phụ trách các vấn đề quốc tế của Bộ Tài chính Mỹ cho biết cơ quan này không có ý định thay đổi các điều khoản của gói cứu trợ đã được công bố vào ngày 10/4.
Máy bay của hãng hàng không American Airlines tại sân bay Ronald Reagan ở Arlington, Virginia, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các quan chức Mỹ ngày 13/4 cho hay Bộ Tài chính Mỹ hiện vẫn giữ nguyên quan điểm về các điều khoản trong gói cứu trợ 25 tỷ USD dành các hãng hàng không Mỹ nhằm giúp họ chi trả lương cho người lao động trong giai đoạn khó khăn do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo ông Brent McIntosh, Thứ trưởng phụ trách các vấn đề quốc tế của Bộ Tài chính Mỹ, cơ quan này không có ý định thay đổi các điều khoản của gói cứu trợ đã được công bố vào ngày 10/4.

Các quan chức Mỹ cho hay một số hãng hàng không Mỹ đang ngày càng e ngại về các điều khoản của gói cứu trợ trên, trong đó có yêu cầu 30% số tiền hỗ trợ được nhận, tương đương xấp xỉ 6 tháng lương chi trả cho đội ngũ lao động của mỗi hãng hàng không trên, sẽ phải được hoàn trả.

[Các hãng hàng không Mỹ không đồng ý điều khoản gói cứu trợ 25 tỷ USD]

Theo các điều khoản của gói cứu trợ trên, Chính phủ Mỹ có thể sở hữu tỷ lệ cổ phần lớn nhất ở American Airlines, hiện có lực lượng lao động lớn nhất trong số các hãng hàng không Mỹ và đang tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính để chi trả 6 tỷ USD tiền lương cho người lao động.

American Airlines cũng có mức vốn hóa thị trường thấp nhất trong số 4 hãng hàng không hàng đầu của Mỹ với khoảng 5,3 tỷ USD, thấp hơn con số 6 tỷ USD hỗ trợ tài chính mà hãng sẽ tiếp nhận.

Dựa trên mức vốn hóa thị trường của các hãng hàng không Mỹ (tính theo giá cổ phiếu của ngày 10/4), sau khi cung cấp gói cứu trợ trên, Chính phủ Mỹ sẽ sở hữu hơn 3% cổ phần của American Airlines Group Inc, khoảng 2,3% cổ phần của United Airlines Holdings Inc, 1% cổ phần của Delta Air Lines Inc, 1,3% cổ phần của JetBlue Airways Corp, và 0,6% cổ phần của Southwest Airlines Co.

Dựa trên mức lương và các phúc lợi trong quý 2-3/2019, United Airlines có thể được khoảng 6 tỷ USD tiền hỗ trợ, Delta Airlines có thể được nhận khoảng 5,6 tỷ USD tiền hỗ trợ và Southwest Airlines có thể được nhận khoảng 4 tỷ USD tiền hỗ trợ.

Tỷ lệ “pha loãng” cổ phần có thể xảy ra ở các hãng hàng không tiếp nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ Mỹ sẽ thấp hơn so với dự đoán trước đó của nhiều nhà phân tích.

Ngoài ra, giá cổ phiếu của các hãng hàng không sụt giảm trong phiên giao dịch 13/4 trước thông tin các hãng này sẽ phải hoàn trả một phần số tiền hỗ trợ mà họ được nhận.

Theo nhà phân tích Savanthi Syth của Raymond James, điều này đã đẩy các hãng hàng không đang gặp khó khăn của Mỹ vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” do quan ngại về nguy cơ nợ vay gia tăng trước khi nhu cầu đi lại bằng đường không trên thế giới trở nên chắc chắn hơn.

Nếu tình hình không cải thiện, các hãng hàng không có thể đưa ra những thông báo về sa thải lao động hàng loạt, có thể sớm nhất là sau ngày 30/9, thời điểm mà họ được yêu cầu đảm bảo việc làm cho người lao động nếu nhận hỗ trợ chi trả lương của Chính phủ Mỹ.

Theo một số chuyên gia, triển vọng sa thải quy mô lớn nói trên có thể khiến Quốc hội Mỹ phải xem xét lại vấn đề hỗ trợ tài chính cho các hãng hàng không với khả năng thực hiện một đợt hỗ trợ mới hay xóa các khoản vay cung cấp kèm theo gói hỗ trợ trên.

Về phần mình, American Airlines, United Airlines, Delta Airlines và Southwest Airlines đều cho biết đang xem xét các điều khoản của gói hỗ trợ nói trên song không đưa ra bất kỳ bình luận nào về vấn đề này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục