Chính phủ Mỹ ngày 16/9 thông báo sẽ đầu tư hơn 100 triệu USD để thúc đẩy việc phát triển các nguồn năng lượng sạch ở nước này.
Trong số tiền mà Chính phủ Mỹ dự kiến đầu tư vào lĩnh vực này có 102 triệu USD do Bộ Năng lượng của Mỹ (DOE) cung cấp để phát triển năng lượng Mặt Trời.
Cụ thể, hơn 52 triệu USD sẽ được dành để hỗ trợ cho 22 dự án mới hợp tác với các công ty, các tổ chức phi lợi nhuận, các trường đại học và các phòng thí nghiệm quốc gia nhằm đảm bảo mức chi phí hợp lý và việc tiếp cận nguồn năng lượng trên trên toàn nước Mỹ.
Số tiền còn lại sẽ được sử dụng để thúc đẩy việc phát triển công nghệ quang điện (SPV) nhằm giảm chi phí cho việc sản xuất điện từ năng lượng mặt trời, cũng như đưa vào hoạt động các công nghệ mũi nhọn, các công cụ và các dịch vụ thuộc lĩnh vực này.
Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Ernest Moniz nhận định những dự án trên sẽ tạo điều kiện để các cộng đồng trên toàn nước Mỹ có thể đạt được những mục tiêu đã được đề ra trong "Kế hoạch năng lượng sạch," cũng như đảm bảo giữ vững vị trí hàng đầu thế giới của Mỹ trong việc đổi mới và phát triển năng lượng sạch.
Ông nhấn mạnh kể từ khi Tổng thống Mỹ Barack Obama lên cầm quyền, tổng chi phí cho việc phát triển hệ thống năng lượng Mặt Trời trong nước đã giảm gần 50%, trong khi việc triển khai nguồn năng lượng này đã tăng gần gấp 20 lần.
Hiện nay, năng lượng Mặt Trời đang cạnh tranh về giá cả với các nguồn năng lượng truyền thống khác tại 14 bang ở Mỹ.
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng thông báo sẽ đầu tư gần 8 triệu USD để thúc đẩy việc phát triển năng lượng gió và mặt trời phục vụ cho người dân sinh sống ở các khu vực xa xôi.
Trước đó, hồi đầu tháng 8 vừa qua, Tổng thống Obama đã công bố "Kế hoạch năng lượng sạch," trong đó đặt ra hạn ngạch khí thải carbon đầy tham vọng cho các nhà máy điện của Mỹ.
Văn kiện mới bao gồm các điều luật và quy định mới nhất về vấn đề gây ô nhiễm của các nhà máy điện của Mỹ do Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) soạn thảo và được cho là "bước tiến quan trọng nhất của nước Mỹ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu."
Đến năm 2030, các nhà máy phải giảm 32% lượng khí thải CO2 so với mức năm 2005. Các bang của Mỹ sẽ phải nộp những bản kế hoạch riêng nhằm hoàn thành mục tiêu cắt giảm khí thải lên EPA dựa trên mức tiêu thụ năng lượng của từng bang trước tháng 9/2016.
Văn kiện mới cũng lùi thời gian bắt đầu thực thi kế hoạch cắt giảm sang năm 2022, sau khi nhiều bang cho rằng thời điểm năm 2020 là quá sớm.
Bên cạnh yêu cầu cắt giảm mạnh mẽ khí thải đối với các nhà máy điện, kế hoạch mới của Nhà Trắng cũng khuyến khích chuyển sang sản xuất điện bằng năng lượng có thể tái tạo, với mục tiêu tăng lượng điện sản xuất bằng năng lượng sạch lên 28% tổng sản lượng điện của Mỹ, so với mức dưới 10% hiện nay./.