Ngày 5/9, Tổng thống Mozambique Armando Guebuza và thủ lĩnh đối lập Afonso Dhlakama đã ký một thỏa thuận hòa bình mang tính bước ngoặt nhằm chấm dứt gần hai năm xung đột và thu hút các nhà đầu tư trở lại Mozambique.
Lễ ký kết diễn ra trước sự chứng kiến của 100 nhà ngoại giao và các quan chức cấp cao.
Theo thỏa thuận, các tay súng sẽ gia nhập quân đội chính phủ và đảng Renamo của ông Dhlakama sẽ có nhiều tiếng nói hơn trong các cơ quan bầu cử.
Chính phủ cũng sẽ thiết lập "quỹ vì mục đích hòa bình và hòa giải" nhằm hỗ trợ các cựu chiến binh.
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thống Guebuza tuyên bố: "5/9 là một ngày quan trọng đối với toàn dân Mozambique."
Về phần mình, ông Dhlakama khẳng định thỏa thuận hòa bình vừa đạt được là "một bước tiến quan trọng."
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã chúc mừng Mozambique ký kết thỏa thuận hòa bình. Ông Kerry nhận định đây là "bước tiến lịch sử" sau gần hai năm xung đột. Ông cũng cho biết cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào tháng 10 tới sẽ là bước quan trọng tiếp theo nhằm mở đường cho Mozambique tiến lên dân chủ, đồng thời bày tỏ hy vọng bầu cử sẽ diễn ra minh bạch và công khai.
Từ năm 1994, ông Dhlakama liên tục thất cử trong các cuộc bầu cử tổng thống. Căng thẳng giữa nhóm Renamo và Chính phủ Mozambique leo thang sau khi thủ lĩnh Dhlakama lập trại huấn luyện các tay súng tại khu vực Gorongosa và tiếp tục chống đối chính quyền.
Đến cuối năm 2013, các lực lượng Renamo tuyên bố chấm dứt Thỏa thuận hòa bình Rome ký năm 1992, văn bản giúp chấm dứt 16 năm nội chiến làm khoảng 1 triệu người thiệt mạng tại quốc gia Nam Phi này.
Trong hai năm qua, giao tranh đã diễn ra đẫm máu, làm hơn 100 người thiệt mạng. Ngày 25/8 vừa qua, chính phủ Mozambique ký thỏa thuận ngừng bắn lịch sử.
Việc ông Dhlakama đến thủ đô Maputo sau hai năm ẩn náu tại vùng núi hẻo lánh Gorongosa, thuộc tỉnh miền Trung Sofala, được coi là một biểu tượng cho nỗ lực chấm dứt khủng hoảng./.