Chính phủ liên minh của tân Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni tối 13/12 theo giờ địa phương đã dễ dàng vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Hạ viện (630 ghế) với 368 phiếu thuận và 105 phiếu chống.
Các nghị sỹ thuộc đảng đối lập “Phong trào 5 Sao” và đảng Liên đoàn phương Bắc (LN) đã tẩy chay không tham gia cuộc bỏ phiếu này cũng như phiên họp của Hạ viện trước đó.
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, với kết quả phiếu tín nhiệm nói trên tại Hạ viện, Italy bước đầu đã tránh được nguy cơ lại rơi vào tình trạng tê liệt chính trị và thậm chí có thể phải tổ chức một cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn.
Tuy nhiên, Chính phủ Gentiloni còn phải vượt qua một cửa ải quan trọng khác, đó là cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Thượng viện, dự kiến tổ chức trong ngày 14/12.
Trước đó cùng ngày, trong bài phát biểu đầu tiên của mình tại Hạ viện, tân Thủ tướng Gentiloni nhấn mạnh những ưu tiên hàng đầu của chính phủ mới sẽ là thúc đẩy kinh tế, kiến tạo việc làm, sẵn sàng can thiệp nhằm đảm bảo sự ổn định của các ngân hàng và các khoản tiền gửi của người dân, đồng thời giúp các nhà lập pháp soạn thảo một luật bầu cử mới nhằm hướng tới cuộc tổng tuyển cử vào năm 2018.
Chính phủ mới cũng sẽ nỗ lực tái thiết các khu vực bị động đất tàn phá, có các bước đi về ngân sách phù hợp, thực hiện tốt công tác chuẩn bị cho lễ kỷ niệm lần thứ 60 Hiệp ước Rome, một trong những hiệp ước đặt nền móng cho Liên minh châu Âu (EU), vào tháng 3/2017, cũng như Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-7) tổ chức ở Sicily vào tháng 5/2017.
Nhiệm vụ trước mắt nhất của chính phủ mới là tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 15/12 tại Brussels với Kế hoạch ngân sách 2017 của EU sẽ là một trong những vấn đề trọng tâm được thảo luận.
Chính phủ mới, cũng giống như chính phủ tiền nhiệm Matteo Renzi, sẽ tiếp tục thúc đẩy nhằm thay đổi Quy định Dublin của EU.
Tân Thủ tướng Gentiloni nhấn mạnh Italy không thể một mình đảm đương gánh nặng người nhập cư cho toàn bộ EU.
Theo Quy định Dublin, người nhập cư phải ở lại tại nước EU đầu tiên mà họ đặt chân tới và quốc gia này có trách nhiệm xem xét đơn xin tị nạn của người nhập cư.
Những người nhập cư nào đi sang các nước EU khác có thể bị trục xuất trở lại nước thành viên EU đầu tiên mà họ đặt chân tới.
Đây là điều mà Italy không hề mong muốn, bởi vì hầu hết số người nhập cư đến châu Âu đều đi qua các cửa ngõ Italy, Hy Lạp và Malta./.