Chính phủ mới của Italy phải đối mặt với nhiều thách thức đối ngoại

Chuyên gia đánh giá thách thức đối ngoại lớn đầu tiên của chính phủ mới sẽ là chi tiêu quân sự của Italy, tăng từ mức 1,5% lên 2% GDP của nước này (3,300 tỷ USD vào năm 2021) trong 6 năm.
Chính phủ mới của Italy phải đối mặt với nhiều thách thức đối ngoại ảnh 1Lãnh đạo đảng Anh em Italy (FdI) Giorgia Meloni phát biểu tại thành phố Milan ngày 1/10/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng của Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế (IAI) mới đây đăng bài phân tích của nhà nghiên cứu Gabriele Abbondanza về những thách thức đối ngoại đối với chính phủ mới của Italy.

Chuyên gia Gabriele Abbondanza đánh giá thách thức đối ngoại lớn đầu tiên của chính phủ mới sẽ là chi tiêu quân sự của Italy, tăng từ mức 1,5% lên 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này (3,300 tỷ USD vào năm 2021) trong 6 năm.

Rome sẽ phải quyết định một phần việc phân bổ số tiền lớn bổ sung này trong khi tránh các chi phí không hiệu quả.

Trong Liên minh châu Âu (EU), lãnh đạo đảng Anh em Italy (FdI) Giorgia Meloni - người dự kiến sẽ trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Italy - và các đồng minh của bà sẽ phải chứng minh rằng họ có thể lãnh đạo hiệu quả nền kinh tế lớn thứ ba và nhà sản xuất lớn thứ hai trong Liên minh châu Âu (EU), đồng thời tiếp tục củng cố tài chính công.

[Chính phủ mới của Italy có thể sẽ bao gồm các nhà kỹ trị]

Phần lớn kế hoạch phục hồi sau đại dịch COVID-19 khổng lồ của Italy phụ thuộc vào cơ sở này.

Về phương diện ngoại giao láng giềng, Địa Trung Hải đầy biến động vẫn là mối quan ngại lớn, càng trở nên trầm trọng hơn bởi cuộc nội chiến Libya đang diễn ra, dòng người nhập cư bất hợp pháp bằng đường biển (71.000 người trong 9 tháng đầu năm 2022) và sự cạnh tranh trong khu vực với Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập.

Xa bờ biển của Italy hơn, nhưng vẫn nằm trong phạm vi Địa Trung Hải mở rộng được Rome quan tâm, nhiều tuyến đường thương mại và sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Italy đang gây ra những thách thức chiến lược, trong đó có sứ mệnh quan trọng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Iraq mà Italy đã chỉ huy kể từ tháng 5/2022.

Khu vực “Địa Trung Hải mở rộng” trải dài đến Biển Arab đang chứng kiến phạm vi ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc thông qua “Con đường Tơ lụa trên biển” của Bắc Kinh và sự hiện diện quân sự của Nga thông qua các căn cứ tại Syria, làm phức tạp thêm quá trình triển khai các nhiệm vụ đa phương và đơn phương của Rome nhằm củng cố trật tự dựa trên luật định.

Ngoài ra, Italy đang âm thầm tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhờ sự can dự lâu dài ở Tây Ấn Độ Dương và những mối quan hệ đối tác gần đây với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Việt Nam.

Cách thức mà Rome sẽ tương tác với trung tâm địa chính trị và địa kinh tế của thế giới này, cùng với nhiều điểm nóng tiềm năng của nó, sẽ là một phép thử quan trọng đối với chính phủ mới ở Italy./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục