Chính phủ Mali hoãn Hội nghị tham vấn toàn quốc

Chính phủ lâm thời Mali đã quyết định hoãn cuộc đàm phán quốc gia dự kiến diễn ra trong ba ngày 26-28/11 sang các ngày 10-12/12 tới.
Ngày 25/11, Chính phủ lâm thời Mali đã quyết định hoãn cuộc đàm phán quốc gia dự kiến diễn ra trong ba ngày 26-28/11 sang các ngày 10-12/12 tới.

Cuộc đàm phán này nhằm lên kế hoạch cho một thời kỳ chuyển tiếp để quay trở lại chế độ dân chủ và giải quyết cuộc khủng hoảng an ninh tại khu vực miền Bắc đang bị phiến quân Hồi giáo chiếm đóng.

Trước đó, Tổng thống Mali Dioncounda Traoré quyết định tổ chức Hội nghị tham vấn toàn quốc Mali nói trên tại Trung tâm hội nghị quốc tế ở thủ đô Bamako để bàn về việc thành lập các cơ quan chức năng chỉ đạo thực hiện việc khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Mali, nhằm bảo đảm đưa chính quyền trở lại hoạt động bình thường và tổ chức bầu cử dân chủ, minh bạch và đáng tin cậy.

Hội nghị cũng sẽ thống nhất lịch trình cho thời kỳ chuyển tiếp, trong đó có phương thức tổ chức và hoạt động của tiến trình này, thời hạn và nhiệm vụ của các cơ quan lãnh đạo nói trên. Dự kiến hội nghị sẽ có sự tham gia của gần 600 đại biểu thuộc chính quyền, chính giới, các tổ chức xã hội dân sự Mali.

Liên minh châu Phi (AU) và ECOWAS đều ủng hộ việc tổ chức Hội nghị này. Tuy nhiên, một số đảng phái và tổ chức chính trị đã lên kế hoạch tẩy chay các cuộc đàm phán.

Trong một diễn biến khác ngày 24/11, hàng nghìn người Mali đã tập trung tại Bamako để bày tỏ phản đối chủ nghĩa tôn giáo cực đoan và việc các tay súng chiếm đóng miền Bắc. Cuộc biểu tình có sự tham gia của các đại diện đảng phái chính trị và lãnh đạo tôn giáo, cũng như cựu thủ lĩnh đảo chính Đô đốc Amadou Sanogo.

Người biểu tình cho biết: "Mali đã công nhận Hồi giáo từ hơn 3 thế kỷ nay. Nhưng chúng tôi không thể chấp nhận chủ nghĩa cực đoan tôn giáo đang hoành hành tại miền Bắc."

Ngày 22/3, ông Xanôgô đã đứng đầu một cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống được bầu Amadou Toumani Toure. Rối loạn sau đảo chính đã tạo điều kiện cho các tay súng thuộc bốn nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan kiểm soát khu vực sa mạc miền Bắc nước này.

Ngoài nhóm vũ trang Hồi giáo Ançar Dine và Phong trào Dân tộc giải phóng Azawad (MNLA) của người Touareg, hai nhóm vũ trang còn lại là mạng lưới khủng bố al-Qaeda tại khu vực Bắc Phi Hồi giáo (AQIM) và Phong trào vì thống nhất và Jihad ở Tây Phi (MUJAO) có thành phần chủ yếu là các tay súng nước ngoài./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục