Chính phủ Malaysia ký Biên bản ghi nhớ với liên minh đối lập

MOU hợp tác giữa đảng cầm quyền và đối lập tại Malaysia gồm 7 đề xuất cải cách Quốc hội và Chính phủ mà tân Thủ tướng Ismail đưa ra, trong đó có đề xuất hạn chế thời gian cầm quyền của thủ tướng.
Chính phủ Malaysia ký Biên bản ghi nhớ với liên minh đối lập ảnh 1Chính phủ của Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob (ngồi giữa) ký Biên bản ghi nhớ với các nhà lãnh đạo của liên minh Hy vọng (PH) đối lập ngày 13/9/2021 (Ảnh: channelnewsasia.com)

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, ngày 13/9, Chính phủ liên minh của Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) với liên minh Hy vọng (PH) đối lập. Đây là sự kiện chưa từng có trên chính trường Malaysia.

Lễ ký được tổ chức tại phòng họp lớn của Quốc hội, nơi đang diễn ra kỳ họp thứ tư quốc hội khóa 14.

Thủ tướng Ismail cho biết sự kiện này được coi là bước đi lịch sử nhằm chuyển giao và ổn định chính trị.

MOU thúc đẩy sự hợp tác lưỡng đảng, nâng cao tinh thần “Gia đình Malaysia” như mong muốn của Quốc vương, sẽ đặt sang một bên những bất đồng chính trị, đảm bảo tiến trình phục hồi của đất nước diễn ra một cách toàn diện.

[Quốc hội Malaysia nhóm họp trở lại sau 9 tháng tạm dừng hoạt động]

MOU hợp tác giữa đảng cầm quyền và đối lập tại Malaysia gồm 7 đề xuất cải cách Quốc hội và Chính phủ mà tân Thủ tướng Ismail đưa ra ngày 10/9, trong đó bao gồm hạn chế thời gian cầm quyền của thủ tướng trong 10 năm (2 nhiệm kỳ) và trình dự luật chống đổi đảng để ngăn chặn tình trạng nghị sỹ Quốc hội nhảy từ đảng này sang đảng khác mà không phải chịu bất cứ biện pháp chế tài nào như hiện nay.

Ngoài ra, ông Ismail còn đề xuất trao cho lãnh đạo đối lập vị thế ngang hàng với bộ trưởng, tham gia và đóng góp ý kiến tại Ủy ban Hồi phục quốc gia, đồng thời trao quyền đại diện bình đẳng tại các ủy ban đặc biệt của Quốc hội cho các nghị sỹ đối lập hoặc không thuộc phe cầm quyền.

Về mặt lập pháp, ông Ismail đề xuất tất cả các dự luật đều phải đưa ra thảo luận tại Quốc hội nhằm đạt đồng thuận.

Malaysia rơi vào bất ổn chính trị kể từ thất bại bầu cử năm 2018 của đảng Tổ chức Dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO), sau hơn 60 năm cầm quyền từ khi nước này giành độc lập.

Hai chính phủ sau đó đã sụp đổ và ông Ismail đã được bổ nhiệm, khôi phục vai trò lãnh đạo chính phủ cho UMNO./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục