Ngày 21/9, Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết 101/2023/QH15 của Quốc hội đã được tổ chức.
Dự hội nghị có Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội.
Theo báo cáo, kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật do Tổ công tác của Thủ tướng tổng hợp đã phân loại thành 24 nhóm lĩnh vực với 22 lĩnh vực trọng tâm gồm đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, đầu tư công, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, ngân sách nhà nước, tài chính công, hợp tác công tư, xã hội hóa các các dịch vụ công, đầu tư, môi trường, xây dựng, kinh doanh bất động sản, ngân hàng, tài chính, tự chủ tài chính, chứng khoán, trái phiếu, doanh nghiệp, giám định, định giá...
[Bộ trưởng chịu trách nhiệm về chất lượng dự thảo văn bản được ban hành]
Tổng số văn bản quy phạm pháp luật đã được các cơ quan thực hiện rà soát là 455 văn bản, gồm 61 luật, nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 195 nghị định của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 199 văn bản khác do các cơ quan Trung ương ban hành.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết dự thảo Báo cáo của Chính phủ gồm 3 phần: Quá trình tổ chức thực hiện; kết quả rà soát; nhiệm vụ, giải pháp, đề xuất, kiến nghị.
Dự thảo Báo cáo nêu rõ trên cơ sở kết quả công việc đã được triển khai thực hiện, các bộ, cơ quan ngang bộ nghiên cứu bổ sung đề xuất xử lý ngay những nội dung có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình.
Đối với những văn bản có mâu thuẫn, chồng chéo bất cập chưa có trong chương trình, kế hoạch xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và 2024, tùy từng mức độ và yêu cầu để bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 hoặc năm 2025.
Phát biểu tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương kiến nghị Chính phủ, Bộ Tư pháp tiếp tục chỉ đạo rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm tính thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành trong rà soát; sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành để bảo đảm chất lượng các văn bản pháp luật ban hành.
Các địa phương đề nghị Chính phủ giao Bộ Tư pháp xây dựng đề án tăng cường cán bộ pháp chế cho các địa phương; tổ chức tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương về xây dựng thể chế và rà soát văn bản quy phạm pháp luật; quan tâm đầu tư kinh phí bảo đảm những điều kiện cần thiết cho công tác xây dựng thể chế...
Kết luận hội nghị, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá dự thảo Báo cáo được chuẩn bị công phu, đầy đủ dù việc rà soát lần này là việc khó do liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, lại được thực hiện trong thời gian ngắn, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và địa phương tiếp tục góp ý chi tiết, trực tiếp vào dự thảo Báo cáo đến hết ngày 21/9 để Bộ Tư pháp tổng hợp, hoàn thiện, xin ý kiến thành viên Chính phủ trước khi trình Quốc hội.
Căn cứ vào nội dung dự thảo Báo cáo, các bộ, ngành chuẩn bị kỹ lưỡng để giải trình trước Quốc hội những nội dung thuộc lĩnh vực quản lý của mình; chủ động sửa đổi, bổ sung, hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung ngay trong quý 4/2023 những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành.
Nhấn mạnh đây là cơ hội để Chính phủ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật cho phù hợp với tình hình thực tế, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành chủ động tăng cường phối hợp với các cơ quan báo chí trong việc thông tin, tuyên truyền kịp thời về những nội dung được sửa đổi, bổ sung nhằm sớm đưa quy định của pháp luật vào cuộc sống, tạo đồng thuận trong xã hội.
Bên cạnh những nội dung rà soát trong Báo cáo, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và địa phương tiếp tục công tác rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập nảy sinh./.