Chính phủ Lào "cứng rắn" để xử lý khó khăn kinh tế, kiềm chế lạm phát

Tỷ lệ lạm phát của Lào đã giảm từ mức 41% trong tháng Ba xuống còn 28,8% trong tháng Sáu, đây được coi là một trong những nỗ lực của nước này trong việc kiềm chế lạm phát gia tăng.
Chính phủ Lào "cứng rắn" để xử lý khó khăn kinh tế, kiềm chế lạm phát ảnh 1Giá hàng hóa và dịch vụ ở Lào đã tăng hơn 38% trong nửa đầu năm nay. (Nguồn: Vientiane Times)

Hướng tới mục tiêu kiềm chế lạm phát theo các kế hoạch đề ra nhằm giải quyết một số khó khăn kinh tế, Chính phủ Lào đang đặt ưu tiên ban hành các biện pháp cứng rắn.

Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đề cập những biện pháp này trong bài phát biểu tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa IX của Lào đang diễn ra.

Các biện pháp được áp dụng tạm thời bao gồm tập trung tháo gỡ từng bước để cân bằng cán cân thanh toán quốc tế và thực hiện các biện pháp quản lý tỷ giá hối đoái; quy định biên độ tỷ giá giữa các ngân hàng thương mại.

Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải đăng ký kê khai và thanh toán thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại tại Lào; khuyến khích trao đổi tiền tệ thông qua hệ thống ngân hàng...

Các biện pháp trung và dài hạn, bao gồm tăng cường công tác quản lý thị trường ngoại tệ, kiểm soát chặt chẽ hoạt động thanh toán, chuyển tiền của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nhà đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.

Chính phủ cũng sẽ có các biện pháp can thiệp đối với các mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân, như duy trì và tăng cường kiểm soát giá cả hàng hóa, phí dịch vụ đối với các nhóm hàng tăng giá mạnh như thực phẩm, phân bón, thức ăn chăn nuôi… - theo người đứng đầu Chính phủ Lào.

Tại Kỳ họp lần này, các đại biểu Quốc hội Lào kiến nghị Chính phủ nước này hạn chế nhập khẩu những mặt hàng xa xỉ, không thiết yếu, đòi hỏi lượng ngoại tệ lớn; tăng cường sản xuất hàng trong nước, giảm nhập khẩu cũng được khuyến khích như một phương án để phục hồi nền kinh tế quốc gia trong dài hạn.

[Những thách thức kinh tế và tài chính mà Lào đang phải đối mặt]

Chính phủ cần xem xét các cơ chế để cắt giảm chi phí dịch vụ cho các nhà đầu tư, nhà xuất khẩu, đẩy nhanh việc phê duyệt các dự án đã đề xuất, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Lào, nhằm tạo nguồn thu ngoại tệ cho đất nước - theo kiến nghị.

Một trong những nỗ lực của Lào trong việc kiềm chế lạm phát gia tăng được thể hiện qua tỷ lệ lạm phát giảm từ mức 41% trong tháng Ba xuống còn 28,8% trong tháng Sáu.

Thách thức lớn đối với Lào trong việc đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát trong năm 2023 là chi phí hàng hóa và dịch vụ liên tục tăng - Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Lào Khamjean Vongphosy cho hay.

Một trong những yếu tố chính dẫn đến tình trạng lạm phát tăng cao là việc đồng kip mất giá, trong bối cảnh 1/3 hàng hóa tăng giá của quốc gia Đông Nam Á này là hàng nhập khẩu.

Giá cả hàng hóa và dịch vụ ở Lào đã tăng 38,06% trong nửa đầu năm nay, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống sinh hoạt của các hộ gia đình trên cả nước.

Giá các mặt hàng tiêu dùng tăng chủ yếu đến từ các nhóm hàng thực phẩm và đồ uống không cồn, tăng 49,1% trong sáu tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp đến là các nhóm như dịch vụ chăm sóc y tế và thuốc, khách sạn và nhà hàng, truyền thông và vận tải, hàng gia dụng, quần áo và giày dép.

Hôm 26/6 vừa qua, Thủ tướng Sonexay Siphandone cho biết bất chấp những khó khăn, nền kinh tế Lào được dự báo sẽ tăng trưởng 4,8% trong sáu tháng năm 2023. Tuy nhiên, kinh tế nước này vẫn dễ bị tổn thương trước các tác động bên ngoài và trong nước.

Hồi đầu tháng Tư, một báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chỉ ra một số thách thức mà Lào đang phải đối mặt, trong đó có áp lực lạm phát - dự kiến sẽ vẫn cao vào năm 2023, ở mức 16%, trước khi giảm xuống 5% vào năm 2024.

ADB cho biết đà phục hồi trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư tư nhân dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Lào trong năm nay và năm sau khi các hạn chế về đại dịch được nới lỏng trên toàn khu vực.

Điều này sẽ giúp kinh tế Lào có thể tăng trưởng 4% trong năm 2023-2024 - cao hơn mức 2,5% mà thể chế tài chính này đưa ra vào năm ngoái.

Báo cáo của ADB khuyến nghị Chính phủ Lào xây dựng một chương trình toàn diện để giải quyết các lỗ hổng kinh tế vĩ mô và các thách thức trong thị trường lao động.

Điều quan trọng là Chính phủ phải hỗ trợ phát triển công nghiệp địa phương thông qua cải cách quy định nhằm cải thiện môi trường kinh doanh - theo báo cáo của ADB./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục