Chính phủ Italy sẽ bán cổ phần của tám tập đoàn lớn dưới sự quản lý của nhà nước để sử dụng khoản tài chính thu được nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế.
Đó là tuyên bố ngày 21/11 của Thủ tướng Italy Enrico Letta, người cũng khẳng định đó mới chỉ là đợt bán cổ phần đầu tiên trong một chiến dịch tư hữu hóa hàng loạt công ty cấp quốc gia nhằm phục vụ lợi ích của đất nước.
Theo báo chí Italy, khoản tiền từ bán cổ phần có thể lên tới 12 tỷ euro. Theo đó, một nửa số này sẽ được đưa thẳng vào ngân sách của chính phủ nhằm cứu vãn tình trạng nguy ngập của nền kinh tế, nửa còn lại sẽ dùng chi cho việc giảm gánh nặng nợ công.
Nợ công của Italy hiện tại đang tương đương 130% GDP, mức cao nhất kể từ hơn hai mươi năm qua và theo ông Letta, nhiệm vụ của chính phủ không chỉ là sử dụng nguồn thu được từ việc bán cổ phần để đưa thẳng vào các gói ngân sách mà chính là phải giảm nợ công.
Theo dự kiến, chính phủ sẽ bán 40% cổ phần của tập đoàn đóng tàu biển Fincantieri, 40% của ENAV, công ty điều hành bay quốc gia Italy và 3% cổ phần của ENI. Chính phủ có kế hoạch giữ cho số cổ phần của họ trong ENI chỉ ở mức 30%.
Theo Bộ trưởng Kinh tế Fabrizio Saccomanni, việc tư hữu hóa sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm nợ công.
Kế hoạch tư hữu hóa này được thực hiện trong thời điểm chính phủ đang thúc đẩy việc cắt giảm ngân sách và tiết kiệm chi tiêu nhằm đối phó với khủng hoảng nợ công đang ở mức cao kỷ lục, đồng thời tìm cách vực dậy nền kinh tế bằng các chính sách kích cầu và hỗ trợ doanh nghiệp.
Hiện tại, Italy đang chìm trong cuộc khủng hoảng dài nhất kể từ hai thập niên qua, với GDP trong quý Ba sụt giảm 0,1% so với quý trước và khó có dấu hiệu sẽ hồi phục trong quý IV/2013 và năm tới. Chính vì thế, chính phủ Italy rất kỳ vọng vào chiến dịch tư hữu hóa này nhằm có nguồn tài chính ngay tức khắc.
Italy đã hứa hẹn sẽ tiến hành một chiến dịch tư hữu hóa mạnh mẽ các tập đoàn do nhà nước quản lý từ nhiều năm qua, nhưng các chính phủ đều thất bại do không tìm được người mua và không có một chính sách rõ ràng cho việc bán cổ phần./.