Ngày 3/9, Chính phủ Indonesia đã phát hành một đợt trái phiếu Hồi giáo (sukuk) thời hạn 10 năm bằng đồng USD trị giá 1,5 tỷ USD, xác lập kỷ lục mới về trái phiếu Hồi giáo ở Đông Nam Á.
Bộ Tài chính Indonesia cho biết mặc dù lãi suất tương đối thấp, ở mức 4,35% so với mức 6,5% của đợt sukuk thời hạn 5 năm phát hành gần đây nhất (hồi tháng 9/2013), song nhu cầu đối với đợt phát hành sukuk lần này lại rất cao, khi hồ sơ dự thầu của các nhà đầu tư lên tới 10,2 tỷ USD.
Điều này có nghĩa là chi phí đi vay đã giảm được đáng kể, bởi trên thị trường trái phiếu dài hạn, được coi là có rủi ro lớn hơn, thường phải chịu mức lãi cao hơn dẫn đến chi phí đi vay cao hơn.
Tổng Vụ trưởng quản lý nợ Bộ Tài chính Indonesia Robert Pakpahan nhận xét rằng trong bối cảnh lo ngại về tình trạng thắt chặt thanh khoản toàn cầu do Chính phủ Mỹ rút giảm các gói kích thích tăng trưởng kinh tế thì kết quả phát hành sukuk của Indonesia cho thấy lòng tin của giới đầu tư vào triển vọng nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á vẫn còn cao. Trong đó, các nhà đầu tư từ khu vực Trung Đông là những khách hàng lớn nhất, chiếm tới 35% tổng giá trị, tiếp theo là các nhà đầu tư châu Á (30%), Mỹ (20%) và châu Âu (15%).
Ông Robert Pakpahan cho biết thêm rằng đây là đợt phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ cuối cùng của Bộ Tài chính Indonesia trong năm nay và tổng giá trị các đợt phát hành trái phiếu của Indonesia từ đầu năm đến nay đã đạt 430.000 tỷ rupiah, tăng 75% so với mục tiêu ban đầu.
Theo Bộ Tài chính Indonesia, trái phiếu của Indonesia rất hấp dẫn so với trái phiếu của Mỹ, khi chênh lệch về lãi suất giữa trái phiếu kho bạc Mỹ và sukuk bằng đồng USD của Indonesia là 194,3 điểm cơ bản./.