Chính phủ Indonesia chi 1 triệu USD cho các thí nghiệm ngăn chặn sốt xuất huyết

Giới y khoa đánh giá vi khuẩn Wolbachia có thể ngăn chặn sự lây lan của virus sốt xuất huyết vì vi khuẩn này có khả năng tranh giành dinh dưỡng với virus và vi khuẩn trong tế bào muỗi.

Ảnh minh họa.(Nguồn: AFP)
Ảnh minh họa.(Nguồn: AFP)

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Bộ Y tế Indonesia phân bổ 16 tỷ rupiah (Rp-khoảng 1,03 triệu USD) cho các thí nghiệm kiểm tra sự lây lan của bệnh sốt xuất huyết ở 5 thành phố lớn ở nước này.

Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến ngày 28/11 sau cuộc họp Nội các, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết chính phủ đã phân bổ ngân sách 16 tỷ Rp để tiến hành các dự án thí điểm cấy vi khuẩn Wolbachia vào cơ thể muỗi để kiểm tra sự lây lan sốt xuất huyết tại các thành phố Semarang, Tây Jakarta, Bandung, Kupang và Bontang.

Ngoài ra, chính quyền của mỗi thành phố cũng chi thêm khoảng 500 triệu Rp cho các thí nghiệm ở địa phương.

Bộ trưởng Sadikin giải thích phương pháp thí nghiệm sử dụng muỗi nhiễm vi khuẩn Wolbachia đã được đưa vào kế hoạch quốc gia trong xử lý bệnh sốt xuất huyết, đang được triển khai tại 5 thành phố trên

Đây là các khu vực có tỷ lệ mắc sốt xuất huyết tương đối cao, cao hơn mức trung bình trên toàn cầu là 10 ca/100.000 dân.

Bộ trưởng Indonesia cho biết thêm rằng trước khi triển khai phương pháp này, Bộ Y tế Indonesia đã phổ biến thông tin đến cộng đồng thông qua vận động chính sách với lãnh đạo cộng đồng địa phương.

Giới y khoa đánh giá vi khuẩn Wolbachia có thể ngăn chặn sự lây lan của virus sốt xuất huyết vì vi khuẩn này có khả năng tranh giành dinh dưỡng với virus và vi khuẩn trong tế bào muỗi. Khi không đủ chất dinh dưỡng, virus sốt xuất huyết ở muỗi sẽ không thể sinh sôi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục