Chính phủ Indonesia cần giảm thuế xuất khẩu dầu cọ

Hiệp hội các nhà sản xuất dầu cọ Indonesia vừa đề nghị chính phủ giảm thuế xuất khẩu dầu cọ để đảm bảo sức cạnh tranh của mặt hàng này.
Thu hoạch quả cọ tại một khu vườn ở Indonesia. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hiệp hội các nhà sản xuất dầu cọ Indonesia (GAPKI) vừa đề nghị chính phủ giảm thuế xuất khẩu dầu cọ để đảm bảo sức cạnh tranh của mặt hàng này tại một trong những thị trường tiêu thụ lớn nhất là Ấn Độ, sau khi New Delhi quyết định tăng thuế nhập khẩu các loại dầu ăn.

Chính phủ Ấn Độ ngày 6/2 đã tăng thuế nhập khẩu các loại dầu ăn được tinh chế, từ 7,5% lên 10% nhằm tăng cường bảo vệ nông dân trồng các loại cây có hạt có dầu trong nước.

Đồng thời, chính phủ nước này vẫn giữ nguyên mức thuế nhập khẩu 2,5% đối với các loại dầu ăn thô để giúp các nhà chế biến trong nước tiếp tục được hưởng lợi.

Ấn Độ là một trong những khách hàng lớn nhất của dầu cọ Indonesia.

Giám đốc điều hành GAPKI Fadhil Hasan nói rằng động thái trên sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh số bán của ngành dầu cọ Indonesia vì quốc gia Đông Nam Á này là nhà sản xuất và xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới với sàn lượng 26-28 triệu tấn/năm, trong đó xuất khẩu tới 17-19 triệu tấn.

GAPKI cho rằng để có thể đảm bảo sức cạnh tranh về giá, Chính phủ Indonesia cần giảm thuế xuất khẩu dầu cọ đã tinh chế để duy trì xuất khẩu.

Trong năm 2011, Chính phủ Indonesia đã ban hành biểu thuế mới đối dầu cọ xuất khẩu, giảm từ mức 25% xuống 10%, do đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Malaysia - nước sản xuất và xuất khẩu dầu cọ lớn thứ hai thế giới trước đó đã tiến hành biện pháp tương tự để tăng sức cạnh tranh trên các thị trường tiêu thụ dầu cọ chủ chốt là Ấn Độ và Pakistan.

Ông Fadhil Hasan nhấn mạnh rằng ngoài việc điều chỉnh thuế xuất khẩu, Chính phủ Indonesia còn cần phải tăng cường tìm kiếm các thị trường mới và có các chính sách hỗ trợ nhất định để bù đắp cho tổn thất tiềm năng của xuất khẩu dầu cọ Indonesia ở Ấn Độ.

Nếu Indonesia không thực hiện chính sách như vậy thì lợi thế sẽ nghiêng về các nhà xuất khẩu dầu cọ Malaysia, khi chính phủ nước này đã giảm thuế xuất khẩu dầu cọ thô (CPO) từ mức 25% xuống 8,5% năm 2012 và còn 4,5% hiện nay.

Theo số liệu thống kê của GAPKI, trong 11 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu dầu cọ và dầu hạt cọ của Indonesia sang Ấn Độ đã tăng 6,81% so với năm 2012, đạt 5,53 triệu tấn.

Trong 10 tháng năm 2013, sản lượng dầu cọ tinh chế của Ấn Độ đã tăng mạnh tới 40,5% lên 2,2 triệu tấn.

Phản ứng trước yêu cầu của GAPKI, Thứ trưởng Thương mại Indonesia Bayu Krisnamurthi cho biết chính phủ nước này sẽ không có biện pháp nào ngay lập tức, nhưng sẽ nghiên cứu tình hình và đề nghị của GAPKI một cách cẩn thận./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục