Ngày 19/5, Chính phủ Đức đã thông qua Sách Trắng về chủ nghĩa đa phương. Đây là lần đầu tiên Đức ban hành Sách Trắng về chủ đề này.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, với tên gọi "Cùng nhau vì người dân", điểm chính của Sách Trắng là nguyên tắc chỉ đạo “chủ nghĩa đa phương vì người dân,” nhằm mục đích cải thiện điều kiện sống của người dân ở Đức, châu Âu và trên toàn thế giới, đảm bảo một thế giới hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng.
Phát biểu sau khi Sách Trắng được Nội các liên bang thông qua, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết với Sách Trắng này, Chính phủ Đức muốn làm rõ trật tự đa phương có thể thích ứng với những thách thức và điều kiện của thế kỷ XXI như thế nào và Đức mong muốn đóng góp những gì trong vấn đề này.
Theo đó, chính phủ Đức thể hiện mong muốn về một trật tự quốc tế đa phương ổn định, công bằng và hiệu quả, dựa trên tinh thần đoàn kết, sẵn sàng hợp tác, cam kết tuân thủ các quy tắc và thể chế quốc tế chung, với Liên hợp quốc là trung tâm.
[Trung Quốc ra Sách Trắng đề cao thành tích xóa đói giảm nghèo]
Ngoại trưởng Maas khẳng định, kỳ vọng của quốc tế về nước Đức là rất lớn. Ông nói: "Trong tương lai chúng tôi sẽ tiếp tục đóng vai trò lớn trong việc củng cố, cải cách và phát triển hệ thống quy tắc quốc tế, như nhiều đối tác của chúng tôi luôn mong muốn."
Sách Trắng về chủ nghĩa đa phương của Đức cũng nêu rõ hiện nay, trật tự quốc tế dựa trên các nguyên tắc đa phương đang "chịu áp lực lớn."
Mục tiêu mà Đức đặt ra là "hỗ trợ trật tự quốc tế chống lại các nỗ lực phá bỏ nó cũng như chống lại các cú sốc toàn cầu và khu vực, chẳng hạn như như đại dịch hoặc các cuộc khủng hoảng kinh tế."
Theo Sách Trắng, Đức đang vận động để cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với mong muốn cơ quan quan trọng này có thêm thành viên và "có sự đại diện cân bằng hơn cho các khu vực".
Ngoài ra, Sách Trắng của Đức cũng đề cập đến các vấn đề như kiểm soát các loại vũ khí mới, thực hiện hiệu quả viện trợ nhân đạo và hợp tác phát triển.
Thời gian qua, Đức là nhà tài trợ lớn thứ hai của Liên hợp quốc, nước này cũng thường xuyên cung cấp viện trợ nhân đạo cho Quỹ viện trợ khẩn cấp hoặc Chương trình lương thực thế giới của Liên hợp quốc.
Đức còn đứng ở vị trí thứ hai về các khoản tài trợ cho cho chương trình "Access to COVID-19 Tools Accelerator – ACT-A2 (Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19), được xây dựng riêng cho việc phát triển nhanh chóng, sản xuất và phân phối công bằng vaccine, thuốc và các biện pháp điều trị COVID-19 trên toàn thế giới.
Berlin cũng luôn gương mẫu đề ra và thực hiện các cam kết chính trị đối với chủ nghĩa đa phương, vì hòa bình và ổn định trên toàn thế giới.
Ví dụ nước này đã triển khai gần 5.000 binh sĩ quân đội Đức thực hiện các nghĩa vụ quốc tế, hoặc đề xuất các quy tắc và chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực không gian mạng, vũ khí hủy diệt hàng loạt...
Với việc giới thiệu Sách Trắng về chủ nghĩa đa phương, Chính phủ Đức cũng mong muốn tổ chức các cuộc thảo luận để tìm ra cách thức xây dựng và thực hiện chủ nghĩa đa phương cho thế kỷ 21 một cách tốt nhất./.