Chính phủ Đức thông qua gói cứu trợ tài chính cho 1 triệu doanh nghiệp

Gói cứu trợ khoảng 8 tỷ euro (8,7 tỷ USD), là một phần trong hàng loạt biện pháp nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang tác động đến mọi mặt đời sống.
Chính phủ Đức thông qua gói cứu trợ tài chính cho 1 triệu doanh nghiệp ảnh 1Các nhà hàng đóng cửa do dịch COVID-19 tại Leipzig, Đức ngày 4/4/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Chính phủ Đức ngày 16/4 công bố đã thông qua gói cứu trợ tài chính cho 1 triệu doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp tự chủ.

Theo Bộ Các vấn đề kinh tế và năng lượng (BMWi) của Đức, quyết định trên được thông qua chưa đầy 4 tuần sau khi các doanh nghiệp nhỏ và tự chủ đệ đơn xin cứu trợ khẩn cấp.

Gói cứu trợ khoảng 8 tỷ euro (8,7 tỷ USD), là một phần trong hàng loạt biện pháp nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang tác động đến mọi mặt đời sống.

[Môi trường kinh doanh mới giai đoạn hậu COVID-19 sẽ như thế nào?]

Tại Đức, các doanh nghiệp nhỏ và tự chủ có 10 người lao động trở xuống có thể nộp đơn xin chính phủ cứu trợ khẩn cấp tới 15.000 euro. Số tiền cứu trợ một lần này không phải hoàn trả.

Liên quan những tác động của dịch bệnh COVID-19, trong cuộc thảo luận trực tuyến ngày 16/4, các Bộ trưởng Thương mại các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) cam kết sẽ bảo vệ các doanh nghiệp chiến lược của châu Âu bị sa sút do dịch bệnh, theo đó ngăn chặn những thương vụ chiếm đoạt quyền kiểm soát các doanh nghiệp này.

Hãng thông tấn AFP dẫn lời Quốc vụ khanh bên cạnh Bộ trưởng châu Âu và Ngoại giao Pháp Jean-Baptiste Lemoyne nhấn mạnh: “Trong bối cảnh một số công ty đang mất đi hàng chục phần trăm giá trị, quan trọng là chúng ta cần phải đảm bảo không có hoạt động thu mua giành quyền kiểm soát không thỏa đáng mang tính chiếm đoạt.”

Theo ông Lemoyne, các bộ trưởng đã nhất trí phối hợp “nếu xuất hiện các mối đe dọa."

Các bộ trưởng đã hoan nghênh những khuyến nghị do Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra 3 tuần trước đây, trong đó kêu gọi EU tự bảo vệ mình trước rủi ro xuất phát từ hoạt động đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực chiến lược bị tổn thương do khủng hoảng kinh tế xuất phát từ đại dịch COVID-19.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen hôm 25/3 cho rằng các công ty nghiên cứu y tế và dược phẩm có thể là mục tiêu của các tập đoàn bên ngoài châu Âu.

EC đã đề nghị đưa ra một hệ thống quy định của EU, trước hết có hiệu lực vào tháng 10/2020, để giải quyết những mối lo ngại liên quan việc các tập đoàn nước ngoài nhắm vào các doanh nghiệp châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục