Chính phủ Đức tài trợ Việt Nam 8 triệu euro cho dự án bảo vệ rừng

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Chính phủ Đức vừa ký kết hiệp định tài chính tài trợ cho dự án bảo vệ và quản lý tổng hợp hệ sinh thái rừng, nhằm phát triển rừng bền vững.
Chính phủ Đức tài trợ Việt Nam 8 triệu euro cho dự án bảo vệ rừng ảnh 1Chăm sóc giống cây trồng phục vụ trồng rừng ở Đồng Nai. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Ngày 18/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Ngân hàng tái thiết Đức (KfW) đã chính thức ký kết hiệp định tài chính cấp chính phủ về việc tài trợ cho dự án “Bảo vệ và quản lý tổng hợp hệ sinh thái rừng ở các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và Gia Lai (gọi tắt là KfW10).”

Đối với Dự án KfW10 sẽ có thời gian thực hiện là 7 năm (2014-2020), với tổng vốn của dự án là 11,29 triệu euro; trong đó vốn ODA không hoàn lại là 8 triệu euro, tương đương 224 tỷ đồng, vốn đối ứng của Việt Nam là 3,29 triệu euro.

Dự án sẽ tập trung góp phần duy trì sự toàn vẹn của hệ sinh thái và sự đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng tự nhiên sản xuất tại các khu vực thuộc miền Trung và Tây Nguyên Việt Nam đồng thời nâng cao điều kiện sống cho cộng đồng dân cư địa phương.

Cụ thể, Dự án sẽ hướng tới bảo vệ và quản lý bền vững rừng tự nhiên sản xuất dựa vào cộng đồng khoảng 28.110 ha tại 3 tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và Gia Lai góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và đảm bảo thu nhập ổn định thường xuyên cho 110 cộng đồng thôn bản thông qua việc tạo ra sự đa dạng về các sản phẩm từ rừng.

Phát biểu tại buổi lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, thời gian qua, chính phủ hai nước đã có những mối quan hệ hợp tác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. Từ năm 1995 đến nay, Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức thông qua KfW đã hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực trồng rừng, bảo vệ quản lý tài nguyên thiên nhiên với tổng số tiền hơn 120 triệu euro trong 14 dự án, trong đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chủ trì 11 dự án.

Đánh giá những hỗ trợ trong thời gian qua, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng cho rằng, các dự án đã góp phần đáng kể vào việc tăng diện tích che phủ rừng, phát triển bền vững hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học cũng như nâng cao thu nhập cho hàng trăm nghìn hộ dân ở nông thôn miền núi.

“Đặc biệt, Dự án KfW10 này sẽ tập trung hướng đến các tộc người thiểu số phụ thuộc vào rừng ở địa phương, đó là những nhóm mục tiêu tham gia bảo vệ rừng, quản lý rừng bền vững và giám sát tác động," Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục