Theo Reuters và AFP, Người phát ngôn Chính phủ Đức Christiane Hoffmann ngày 17/7 cho biết Đức tiếp tục kêu gọi Nga quay trở lại Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen với Ukraine mà Moskva trước đó tuyên bố rằng "trên thực tế đã kết thúc."
Phát biểu với báo giới, bà Hoffmann nói: "Chúng tôi tiếp tục kêu gọi Nga cho phép gia hạn thỏa thuận ngũ cốc."
Quan chức Đức nhấn mạnh rằng thỏa thuận này rất quan trọng đối với an ninh lương thực toàn cầu, đồng thời kêu gọi: "Xung đột không nên được tiến hành sau lưng những người nghèo nhất trên hành tinh này."
Trước đó, trong cùng ngày 17/7, Nga thông báo nước này ngừng tham gia vào thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen do Liên hợp quốc làm trung gian nhưng điều này không liên quan gì đến các vụ nổ, mà Moskva gọi là một cuộc tấn công khủng bố của Ukraine.
Moskva tuyên bố "thỏa thuận ngũ cốc đã chấm dứt. Ngay sau khi phần của Nga (trong các thỏa thuận) được thực hiện, phía Nga sẽ ngay lập tức quay trở lại thỏa thuận ngũ cốc."
Trước đó, hôm 15/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay các nghĩa vụ gỡ bỏ trở ngại đối với việc xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga theo Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen chưa được thực hiện và mục tiêu chính của thỏa thuận là cung cấp ngũ cốc cho các nước có nhu cầu, cũng đã không được thực hiện.
Trong giai đoạn từ tháng 8/2022 đến tháng 6/2023, Ukraine đã xuất khẩu 50,6 triệu tấn ngũ cốc với tổng trị giá 9,8 tỷ USD.
Phần lớn hàng hóa được xuất khẩu qua các cảng với tỷ lệ giao hàng lên tới 78% và liên tục vượt quá 80% trong những tháng gần đây. Phần còn lại được vận chuyển bằng đường sắt, đường bộ và phà.
Là một phần của Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, 28,1 triệu tấn ngũ cốc đã được xuất khẩu, chiếm 55,5% tổng số hàng hóa Ukraine xuất ra thị trường thế giới.
[Điện Kremlin: Nga ngừng tham gia Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen]
Tính về giá trị, xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua các cảng lên tới 7,7 tỷ USD trong toàn bộ thời gian của Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen có hiệu lực, trong lượng ngũ cốc trị giá 5,5 tỷ USD được chuyển qua Biển Đen và 2,2 tỷ USD qua các con sông.
Do vậy, nếu thỏa thuận không được gia hạn, thiệt hại trực tiếp mỗi tháng của Ukraine có thể lên tới 500 triệu USD/tháng.
Tháng 7/2022, Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng ra làm trung gian cho thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng do tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine - hai nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới.
Thỏa thuận đã ba lần được gia hạn và lần gia hạn gần đây nhất có hiệu lực từ ngày 18/5 và kéo dài trong hai tháng.
Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen sẽ hết hạn vào ngày 17/7. Trước đó, ngày 13/7, Tổng thống Putin từng tuyên bố thỏa thuận này là "trò chơi một phía" và không có gì được thực hiện liên quan đến lợi ích của Nga.
Ông xác nhận rằng Moskva có thể ngừng tham gia thỏa thuận ngũ cốc này, nhưng để ngỏ khả năng tham gia trở lại nếu các cam kết với Nga được thực hiện.
Nga đã không cho phép bất kỳ tàu mới nào đăng ký theo thỏa thuận kể từ ngày 27/6 vừa qua./.