Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo các Bộ Giao thông Vận tải, Công an, Thông tin và Truyền thông; Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam về triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng.
Để phát huy hiệu quả, lợi ích thiết thực trong việc sử dụng dịch vụ thu phí điện tử không dừng theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần ưu tiên giải quyết.
Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu lựa chọn một số tuyến cao tốc tại mỗi vùng miền để triển khai thí điểm chỉ áp dụng hình thức thu phí điện tử không dừng. Theo đó, chỉ phục vụ phương tiện có đủ điều kiện tham gia dịch vụ thu phí điện tử không dừng.
“Tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông tối thiểu 3 tháng trước khi thực hiện và tổ chức phân luồng giao thông hợp lý để hạn chế ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân cũng như lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư,” văn bản thông báo của Văn phòng Chính phủ nêu.
[Sau ngày 31/12, chủ xe ôtô phải trả chi phí dán thẻ thu phí tự động]
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo nhà đầu tư các dự án BOT, các nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng khẩn trương lắp đặt thiết bị thu phí điện tử không dừng đối với các làn thu phí còn lại; đảm bảo mỗi trạm thu phí chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp theo đúng quy định tại Quyết định 19/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Việc này phải hoàn thành trong quý 1 năm 2022.
Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố khắc phục triệt để các tồn tại nảy sinh trong quá trình vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng, đảm bảo thuận tiện nhất cho phương tiện giao thông.
Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố tuyên truyền, vận động, yêu cầu phương tiện giao thông trên địa bàn thuộc đối tượng thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ phải dán thẻ và sử dụng dịch vụ thu phí điện tử không dừng để lưu thông qua các trạm thu phí.
“Chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ tiếp tục cải thiện, đa dạng hóa hình thức nạp tiền, trả tiền để thuận tiện cho người sử dụng, đảm bảo đến tháng 6/2022 đạt tối thiểu 90% phương tiện giao thông thuộc đối tượng thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ được dán thẻ để sử dụng dịch vụ thu phí điện tử không dừng," Chính phủ yêu cầu.
Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương chỉ đạo triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng tại các dự án do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, hoàn thành trong quý 1 năm 2022.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, đến thời điểm này, tất cả các trạm thu phí đủ điền kiện đã được lắp đặt, vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng đáp ứng tiến độ yêu cầu. Đã có 112 trạm thu phí trên toàn quốc đưa vào vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng.
Tuy nhiên, việc quản lý vận hành hệ thống liên quan đến nhiều đối tượng nên trong quá trình vận hành hệ thống vẫn còn tồn tại một số lỗi, bất cập như xe qua trạm phải trả tiền mặt trong khi tài khoản giao thông vẫn trừ tiền, nhiều phương tiện chưa đủ điều kiện vẫn đi vào cửa dành riêng cho thu phí điện tử không dừng.
Công tác tuyên truyền chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, số lượng phương tiện dán thẻ và tham gia dịch vụ chưa cao, mới có khoảng 50% số lượng phương tiện trên toàn quốc tham gia dịch vụ.
Để tăng cường dán thẻ cho phương tiện để tăng hiệu quả của hệ thống, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ lựa chọn thí điểm 1 tuyến cao tốc chỉ chỉ áp dụng hình thức thu phí điện tử không dừng để khuyến khích chủ các phương tiện tham gia dịch vụ này.
Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông tiếp tục phối hợp với các nhà đầu tư BOT, nhà cung cấp dịch vụ thu phí tăng cường điều tiết giao thông; xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật đối với người điều khiển phương tiện không đủ điều kiện đi vào làn thu phí điện tử không dừng gây cản trở giao thông…./.