Tương lai của chính phủ đoàn kết dân tộc Nam Sudan và thỏa thuận hòa bình 2018 đang bị đe dọa sau khi Tổng thống Salva Kiir và thủ lĩnh phe đối lập - Phó Tổng thống Riek Machar bất đồng về cách chia sẻ quyền lãnh đạo các bang trong cả nước.
Nội chiến tại Nam Sudan kết thúc năm 2018, nhưng xung đột giữa Tổng thống Kiir và Phó Tổng thống Machar gây trở ngại lớn cho việc thực hiện các nội dung của thỏa thuận hòa bình. Hai bên đang bất đồng sâu sắc về chia sẻ quyền quản lý các bang, cũng như cách hợp nhất các lực lượng vũ trang.
Ngày 7/5, Văn phòng Tổng thống tuyên bố ông Kiir sẽ nắm quyền lãnh đạo 6/10 bang trong cả nước, ba bang sẽ thuộc quyền của ông Machar và một bang còn lại sẽ trung lập đối với cả hai bên.
[Tổng thống Nam Sudan công bố thành phần nội các mới]
Ngày 8/5, ông Machar bày tỏ không đồng tình với tuyên bố của Văn phòng Tổng thống khi cho rằng sự phân bố quyền lãnh đạo các bang hiện nay là ý chí chủ quan của tổng thống, chứ không dựa trên sự đồng thuận, không xem xét đến vai trò tương đối của mỗi bên ở các địa phương.
Ông Alan Boswell, nhà phân tích cao cấp của Nhóm khủng hoảng quốc tế (ICG), nhận định bất đồng giữ Tổng thống Kiir và ông Machar đe dọa những lợi ích đạt được từ trước đến nay, cũng như triển vọng về một nền hòa bình lâu dài. Chính phủ đoàn kết của Nam Sudan đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng to lớn, khi các cuộc đàm phán về phương thức chia sẻ quyền lực đang bị đình trệ.
Ông Alan Boswell kêu gọi lãnh đạo các quốc gia trong khu vực cần nhanh chóng có động thái trung gian để những mâu thuẫn giữa hai bên tại Nam Sudan không leo thang.
Cuộc nội chiến ở Nam Sudan, thường đi kèm với mâu thuẫn giữa các sắc tộc, đã khiến 400.000 người thiệt mạng, gây ra nạn đói khủng khiếp cũng như cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất ở châu Phi kể từ sau cuộc diệt chủng năm 1994 ở Rwanda./.