Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya, được thành lập theo một thỏa thuận ký kết dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc tại Maroc hồi tháng 12/2015, đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ ở trong nước.
Ngày 18/3, chính phủ ở Tobruk, do Quốc hội được quốc tế công nhận bầu ra, khẳng định không đồng ý cho chính phủ đoàn kết bắt đầu làm việc trong nước.
Trong một tuyên bố trên mạng Internet, chính phủ ở Tobruk cảnh báo chống lại "các biện pháp của một số bên quốc tế muốn áp đặt chính phủ đoàn kết dân tộc" đồng thời cho rằng những bước đi này sẽ "làm phức tạp thêm" cuộc khủng hoảng chính trị tại Libya và "gây chia rẽ sâu sắc hơn" đất nước này.
Tuyên bố cũng cảnh báo "toàn bộ thể chế của Libya trong và ngoài nước không được phối hợp với chính phủ đoàn kết trước khi thể chế này vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội."
Trước đó, chính phủ tự xưng (đặt trụ sở tại thủ đô Tripoli, được phe Hồi giáo ủng hộ) cũng ra tuyên bố nhấn mạnh chính phủ đoàn kết dân tộc mới sẽ không được hoan nghênh tại Tripoli.
Tuyên bố nêu rõ: "Một chính phủ được áp đặt từ bên ngoài mà không có sự đồng thuận của người dân Libya sẽ không có chỗ ở trong nước."
Từ giữa năm 2014, Libya đã tồn tại hai chính phủ và hai quốc hội đối địch. Chính phủ được quốc tế công nhận đã buộc phải rời tới Tobruk sau khi lực lượng Hồi giáo Bình minh Libya (Fajir Libya) chiếm thủ đô Tripoli và lập chính phủ mới dưới sự ủng hộ của cơ quan lập pháp cũ.
Liên hợp quốc hối thúc các chính trị gia đối địch ở Libya chấp nhận chính phủ đoàn kết dân tộc, vừa được thành lập theo một thỏa thuận chia sẻ quyền lực ký tại Maroc cuối năm 2015.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi chính phủ đoàn kết dân tộc mới chuyển về thủ đô Tripoli và nắm quyền, đồng thời cảnh báo sẽ áp đặt trừng phạt đối với những ai phá hoại tiến trình chính trị này./.