Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya kêu gọi hợp tác chống khủng bố

Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya đưa ra lời kêu gọi trong bối cảnh quân đội của Tướng Khalifa Haftar tại miền Đông nước này đang tiếp tục thực thi chiến dịch chống khủng bố ở miền Nam.
Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya kêu gọi hợp tác chống khủng bố ảnh 1Hiện trường một vụ tấn công tại Benghazi, Libya. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 17/02, Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA), được Liên hợp quốc hậu thuẫn, đã kêu gọi hợp tác an ninh và quân sự để chống khủng bố và tội phạm, trong bối cảnh quân đội của Tướng Khalifa Haftar tại miền Đông nước này đang tiếp tục thực thi chiến dịch chống khủng bố ở miền Nam.

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, trong tuyên bố đưa ra nhân kỷ niệm 8 năm cuộc chính biến lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, GNA nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác trong vấn đề pháp lý và lập hiến nhằm xây dựng một nhà nước dân sự dân chủ.

[AU kêu gọi các cường quốc ngừng mọi hoạt động can thiệp vào Libya]

Tuyên bố nhấn mạnh các bên đã rút ra được bài học và nhận thức được hậu quả nghiêm trọng nếu đất nước vẫn tiếp tục bị chia rẽ, đồng thời khẳng định Hội đồng tổng thống của GNA không chấp nhận việc sử dụng chiến tranh chống khủng bố nhằm đạt được các lợi ích chính trị, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc chấm dứt khủng hoảng chính trị thông qua việc tổ chức các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống dựa trên Hiến pháp.

Libya đã chìm trong chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011.

Hiện, quốc gia này đang tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng, gồm GNA, được Liên hợp quốc ủng hộ, hoạt động tại thủ đô Tripoli do Thủ tướng Fayez al-Serraj lãnh đạo và một chính quyền tại miền Đông được Tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn.

Bất chấp việc ký kết thỏa thuận chính trị do Liên hợp quốc bảo trợ vào cuối năm 2015, song Libya vẫn chưa thể đạt được quá trình chuyển tiếp dân chủ.

GNA vẫn chưa thể thành lập lực lượng quân đội riêng, mà vẫn phải dựa vào các nhóm dân quân để bảo vệ thủ đô.

Hiện, biên giới của Libya với một số quốc gia như Chad và Sudan đang là nơi ẩn náu và hoạt động của các nhóm phiến quân, trong đó, một số chuyên làm nhiệm vụ là lính đánh thuê.

Quân đội miền Đông - dưới sự lãnh đạo của tướng Haftar - đã thực hiện một chiến dịch quân sự chống khủng bố và tội phạm ở miền Nam kể từ giữa tháng Một vừa qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục